“Nhiên liệu sạch”, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của máy bay

Hàng không gây ra khoảng 2% lượng khí nhà kính toàn cầu và có tốc độ ô nhiễm tăng nhanh nhất trong các ngành công nghiệp hiện nay. Vì vậy, thiết kế và chế tạo máy bay thương mại chạy bằng pin với mức giá hợp lý sẽ là chìa khóa giải quyết bài toán này.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Scotland) mới đây, một số hãng hàng không lớn đã ký hiệp ước giảm phát thải khí nhà kính. Báo cáo năm 2021 của Liên Hợp Quốc cho biết, hiện có 40% khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ tạm thời tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong 5 năm tới. Trong đó, hàng không chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu.

Đây được coi là một thách thức lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi ngành hàng không thế giới phải cân bằng giữa mục tiêu về giảm khí thải và tham vọng tăng gấp đôi lượng hành khách để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Điều đó đồng nghĩa với việc các hãng hàng không này sẽ sử dụng nhiên liệu bền vững trong ngắn hạn. Mục tiêu này thay thế mục tiêu trước đó là giảm một nửa lượng khí thải ròng vào năm 2050 so với mức năm 2005, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định khí hậu Paris.

30-1638244142-may-bay-khong-phat-thai-1638576612.jpg
Ngành hàng không cam kết giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới mục tiêu trung hòa carbon

Tuy vậy, những nhiên liệu đó đang thiếu hụt, chi phí cao và vẫn tạo ra khí nhà kính. Trong thời gian tới, các hãng hàng không của Mỹ bao gồm United và Alaska Airlines tuyên bố sẽ đạt phát thải ròng bằng 0. Để đạt được mục tiêu đó, các hãng hàng không này sẽ phải từ bỏ các loại nhiên liệu thông thường.

Một số nhà sản xuất máy bay, từ các công ty khởi nghiệp nhỏ đến những nhà sản xuất lớn trong ngành cũng đang nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy bay thương mại chạy bằng pin với mức giá hợp lý, có thể thu hút được các hãng hàng không và có độ tin cậy cao.

Để vận hành một chiếc máy bay, cần nhiều năng lượng pin hơn so với các phương tiện mặt đất. Loại pin đang được phát triển cho ngành hàng không thương mại có kích thước bằng xe buýt và nặng hàng nghìn kilogam. Để phát triển công nghệ cho máy bay lớn như Boeing 777, có thể sẽ phải mất hàng chục năm nữa. Nếu mọi việc được triển khai theo đúng kế hoạch, trong vài năm tới, mùi nhiên liệu máy bay sẽ không còn ở các sân bay và những chiếc máy bay nhỏ hơn sẽ không phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, máy bay điện sẽ vận hành yên tĩnh hơn, ít mùi hơn và thân thiện với môi trường. Những chiếc máy bay như vậy sẽ thu hút nhiều hành khách, đặc biệt là những người yêu môi trường. Theo Liên Hợp Quốc, “phát thải ròng bằng 0” có nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thí dụ thông qua chuyển sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo sạch. Bên cạnh đó, tất cả các khí thải còn lại phải được tái hấp thụ bởi rừng và đại dương "khỏe mạnh".

Nếu thế giới tiếp tục phát thải gây biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này sẽ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn cầu. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 trong vài thập kỷ tới.

Đến nay, Bhutan và Suriname là 2 quốc gia duy nhất trên thế giới đã đạt phát thải ròng bằng 0. Cùng với các công ty, thành phố và thể chế tài chính trên toàn cầu, hơn 130 quốc gia đã đặt ra hoặc đang xem xét mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ XXI.

Năm 2019 được dự báo là năm kỷ lục của ngành hàng không với 40 triệu chuyến, tổng cộng 8,1 triệu km đường bay; Tăng 5% so với năm 2018 và 300% so với năm 1990. Đây là ngành sinh ra khoảng 2% lượng khí nhà kính trên toàn cầu và có tốc độ gây ô nhiễm tăng nhanh nhất trong các ngành công nghiệp hiện nay.

Theo đó, một chuyến bay dài hơn 8.000 km có thể tạo ra 986 kg CO2/hành khách; Con số này với chuyến bay dài 2.000 km là hơn 234 kg CO2/hành khách - nhiều hơn mức một người thải ra trong một năm. Lượng CO2 bình quân đầu người trong mỗi chuyến bay nhiều hơn mức một người thải ra khi sinh hoạt thường ngày trong một năm.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên Hợp Quốc đang nỗ lực hạn chế lượng khí thải bằng cách đưa ra kế hoạch “tín dụng carbon”. Theo đó, mỗi hãng hàng không chỉ được xả một mức khí thải nhất định. Nếu vượt mức này, họ sẽ phải trả tiền để mua thêm “quyền xả thải”. Những hãng nào có lượng khí thải thấp hơn mức cho phép có thể bán “quyền xả thải” còn dư cho các hãng khác có nhu cầu./.