Tăng trưởng xanh là mô hình phát triển mới được nhiều nước trên thế giới quan tâm, đặc biệt khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi đã thu được nhiều kết quả quan trọng không chỉ từ giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống người dân.
Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.
Ngay từ năm 2008, Hàn Quốc đã dành tới 80% trong gói kích cầu kinh tế khoảng 38,1 tỷ USD để dùng cho sự chuyển dịch từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh. Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh, carbon thấp” của Hàn Quốc xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng là 2,7% (năm 2009), 3,78% (năm 2013) và hơn gấp đôi lên đến 6,08% (năm 2020). Đồng thời, đề ra mục tiêu trung hạn giảm phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ xuống còn 30% vào trước năm 2020 (đây là mức cắt giảm phát thải cao nhất do IPCC đề xuất).
Theo đó, tăng trưởng xanh được Chính phủ Hàn Quốc thông qua với 2 nội dung chính là môi trường và tăng trưởng. Hai nội dung này được cấu thành bởi ba yếu tố lớn, thứ nhất, đảm bảo sự tăng trưởng bằng cách phải giảm thiếu hóa lượng sử dụng năng lượng và tài nguyên; Thứ hai, khi sử dụng cùng một lượng tài nguyên, năng lượng như nhau nhưng phải giảm thiểu hóa sự tác động đến môi trường như giảm thiếu các lượng khí độc có chứa carbon ra môi trường,… Cùng với đó, phải tăng cường quy chế trong việc thải các bon ra môi trường đồng thời tăng cường mua, sử dụng các sản phẩm xanh; Thứ ba, tìm kiếm ra động lực của sự tăng trưởng mới. Theo đó, Chính phủ đã không tiếc tiền bạc, công sức để đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh và đào tạo về ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái sinh mới,…
Chính phủ Hàn Quốc đã định ra 10 phương hướng, chính sách chính về tăng trưởng xanh ít carbon. Những chính sách này bao gồm các nội dung như giảm khí gas nhà kính, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tự cung tự cấp, tăng cường năng lực đối phó với sự biến đổi của khí hậu,… Đào tạo về ngành công nghiệp xanh hay các sản phẩm xanh, mở rộng thị trường ít carbon, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính xanh… là một trong những chính sách chính của Chính phủ.
Nhờ những bước đi mạnh dạn như vậy, Hàn Quốc đã rút ngắn được khoảng cách về mặt công nghệ với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, Hàn Quốc đã đạt được những thành quả đáng kinh ngạc với ngành công nghiệp năng lượng tái sinh mới phát triển nhảy vọt, tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường của pin tái sinh lithium đứng thứ 2 trên thế giới, lần đầu tiên sản xuất hàng loạt ô tô điện “Blue On” trong nước… Ngoài ra, số hộ gia đình đăng ký tham gia chế độ tính điểm khi sử dụng năng lượng ít carbon cũng gia tăng nhanh chóng, tỷ lệ sử dụng “Green Card” cũng tăng lên không ngừng. Các thành quả đạt được trong lĩnh vực sinh hoạt xanh như lượng rác thải đồ ăn giảm mạnh nhất trong vòng 9 năm trở lại đây,…
Với những chính sách rõ ràng và một quyết tâm cao hướng tới nền kinh tế xanh, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ mở rộng khu vực sinh thái lên đến 250.000 ha đến năm 2050. Đồng thời đào tạo khoảng 4 triệu hộ dân và công dân xanh, những người đi tiên phong trong việc sử dụng năng lượng xanh, thực hiện cuộc sống xanh đến năm 2050.