Nhật Bản kiên trì mục tiêu giảm khí thải carbon liên quan đến vận tải biển

Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) khẳng định cam kết với Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ nỗ lực giảm khí thải của các tàu vận tải hàng hóa quốc tế nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khi thải carbon gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
7-1631094023-tau-bien-thai-carbon-1635211593.jpg
Nhật Bản kiên trì mục tiêu giảm khí thải carbon liên quan đến vận tải biển. Ảnh minh họa.

Mặc dù chiến lược được IMO đưa ra 3 năm trước là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 xuống một nửa so với năm 2008, nhưng phía Nhật Bản cho biết, nước này vẫn kiên trì đề xuất giảm xuống mức gần như bằng 0 tại hội nghị của IMO dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 11 tới.

Trước mắt, hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ Nhật Bản, các doanh nghiệp vận tải biển lớn của Nhật Bản đã xác định mục tiêu cụ thể, ví dụ Hãng NYK Line và hãng Mitsui OSK Line đã cam kết giảm khí thải carbon xuống gần mức bằng 0 vào năm 2050 trong khi Hãng K Line cũng quyết tâm cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào thời điểm này.

Ngoài ra, với kế hoạch hỗ trợ phát triển công nghệ tiên tiến lên tới 35 tỷ yên (khoảng 308 triệu USD), Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng động cơ sử dụng nhiên liệu Amoniac và nhiên liệu Hydro.

Cụ thể, tháng 5/2021, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng “Tàu biển thế hệ tiếp theo” có sử dụng các loại nhiên liệu không thải khí carbon. Trong đó, xác định mục tiêu là đưa tàu sử dụng nhiên liệu Amoniac vào vận hành thương mại sớm nhất vào năm 2028 và tàu sử dụng nhiên liệu Hydro dự kiến sẽ được chạy thử nghiệm vào năm 2030.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí thải carbon từ hoạt động vận tải biển quốc tế vào năm 2018 là khoảng 700 triệu tấn, chiếm 2,1% tổng lượng khí thải trên toàn thế giới, tương đương với lượng khí thải của riêng nước Đức.

Sau khi các nước công bố mục tiêu giảm khí thải carbon trong nước, ngày càng nhiều tiếng nói từ cộng đồng quốc tế kêu gọi cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của hoạt động vận tải biển. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về giao thông bền vững toàn cầu lần thứ hai diễn ra vào giữa tháng 10/2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi đi thông điệp kêu gọi chính phủ các nước thực hiện nhiều giải pháp giảm thiểu khí thải carbon từ hoạt động vận tải biển quốc tế.

Theo Giáo sư Masamichi Hasebe của Đại học Kobe, nhận thức về các đối sách ứng phó với sự ấm lên của Trái Đất ngày càng mạnh mẽ và trở thành một xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt là tại Mỹ và các nước châu Âu. Điều mà IMO muốn hướng tới là cần phải xóa bỏ những đối xử đặc biệt trong hoạt động vận tải quốc tế, như vậy mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giảm khí thải của cộng đồng quốc tế.

Giáo sư Hasebe cho rằng, với tư cách là một trong những quốc gia có ngành đóng tàu và vận tải biển phát triển hàng đầu thế giới, Nhật Bản đã đóng góp tích cực trong các cuộc thảo luận của IMO. Tuy vậy, thời gian tới, Nhật Bản sẽ phải tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước liên quan để thực hiện được mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon vào năm 2050, trong đó có một phần từ hoạt động vận tải quốc tế./.