Theo số liệu được công bố, chỉ số CPI trên toàn quốc, loại trừ giá thực phẩm tươi sống dễ biến động nhưng bao gồm năng lượng, trong tháng 10 đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với mức dự báo 3,5% mà các nhà kinh tế đưa ra trước đó. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982 và cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đề ra trong tháng thứ 7 liên tiếp.
Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI của Nhật Bản tăng mạnh là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng và xu hướng đồng Yen mất giá, đã đẩy giá cả sinh hoạt leo thang trong thời gian qua. Đồng Yen đã mất khoảng 22% giá trị trong năm nay và tiếp tục trượt giá xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD.
Đồng Yen đã liên tục suy yếu so với đồng USD trong nhiều tháng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để chống lạm phát nhưng BoJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng để bảo vệ đà tăng trưởng kinh tế mong manh của quốc gia.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, trong tháng 10, giá thực phẩm không bao gồm thực phẩm tươi sống đã tăng 5,9%, đồ gia dụng tăng 11,8%, năng lượng tăng 15,2%, với hóa đơn điện của các hộ gia đình trung bình tăng 20,9% và hóa đơn ga tăng 26,8%, chỉ có mặt hàng xăng dầu có mức tăng ít hơn là 2,9% do có các biện pháp trợ giá từ chính phủ.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực giá cả tăng, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda ngày 17/11 đã nhắc lại cam kết duy trì chính sách kích thích tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vẫn đang phục hồi mong manh sau đại dịch COVID-19.
Ông Kuroda nhấn mạnh: "Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là phù hợp bởi đây là điều cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát một cách bền vững, ổn định đi cùng với việc tăng trưởng tiền lương".
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cũng đưa ra nhận định: "Lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản có thể sẽ đạt 3% trong năm tài chính hiện tại, kết thúc vào tháng 3/2023, nhưng tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn một nửa trong năm tài chính tới do giá hàng hóa và chi phí giảm".
Ngân hàng Trung ương Nhật là một trong số ít các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện vẫn giữ chính sách lãi suất siêu thấp trong khi phần lớn các Ngân hàng Trung ương đều nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát và theo kịp tốc độ nâng lãi suất của FED.
Nhằm giảm tác động của việc đồng Yen suy yếu và lạm phát tới nền kinh tế, tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Chính phủ nước này sẽ dành 260 tỷ USD cho gói kích thích, trong đó bao gồm các biện pháp khuyến khích tăng lương và hỗ trợ các hộ gia đình thanh toán hóa đơn năng lượng.