Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Việt Nam đang nằm trong xu thế chung của khu vực châu Á, đó là kinh tế phục hồi tương đối ổn định. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn giữ nguyên mức 6% trong năm nay và 6,2% trong năm 2025 như dự báo trước đó. Lạm phát có thể ở mức 4%. Các chỉ số cơ bản như chỉ số mua hàng, đầu tư nước ngoài và cán cân thương mại đều có dấu hiệu phục hồi tốt.
Theo ấn bản mới nhất của báo cáo ADO, nền kinh tế đã có được kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, khu vực chế biến chế tạo liên quan đến thương mại - một trong những động lực phục hồi chủ yếu - dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 17/7, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 khá ấn tượng, với mức tăng trưởng GDP đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi thương mại mạnh mẽ, trong đó xuất khẩu tăng 14,5% và nhập khẩu tăng 17% so với năm ngoái. Tuy nhiên, phân khúc nội địa vẫn phục hồi chậm với mức tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 5,8%”, ông Shantanu cho biết.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborti, cho biết: "ADB đang khá thận trọng với dự báo tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam và để con số này thấp hơn so với mục tiêu 7% mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Căng thẳng địa chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, các thay đổi trong chính sách của đối tác lớn của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 7% là con số khá tham vọng. Việt Nam cũng đã có những thay đổi về chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Từ giờ đến cuối năm còn 5 tháng. Mục tiêu hơn 6.5% có thể cũng không quá khó khăn. Và chúng tôi sẽ cân nhắc cập nhật trong báo cáo tháng 9 tới".
Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 thông qua phục hồi thương mại trong lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu, dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, đồng thời nỗ lực hơn nữa để phục hồi tăng trưởng ở các ngành dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ổn định và phục hồi tiêu dùng nội địa.
“ADB duy trì dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm nay, và sẽ tăng lên mức tăng trưởng 6,2% vào năm 2025. Lạm phát cũng được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức ổn định ở mức 4,0% trong năm nay và năm tới, bất chấp áp lực dai dẳng từ căng thẳng địa chính trị và gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Shantanu nói.
Ông Nguyễn Bá Hùng, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ADB Việt Nam, cho biết, hoạt động thương mại xuất nhập khẩu vẫn là động lực chính giúp tăng trưởng kinh tế, tiếp đó là khu vực dịch vụ đang phát triển ổn định. Trong khi đó, thách thức lớn nhất đến từ môi trường bên ngoài, trong bối cảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, kinh tế nội địa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bộc lộ rõ một số điểm yếu trong cấu trúc nền kinh tế. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gây nhiều ảnh hưởng tới sản xuất trong năm này.
Ông Nguyễn Bá Hùng chỉ rõ: "Triển vọng kinh tế vẫn ở mức lạc quan nhưng cần phải thận trọng. Sự phục hồi chủ yếu phụ thuộc vào khu vực bên ngoài, chủ yếu là thương mại đầu tư nước ngoài. Các yếu tố rủi ro có xu hướng làm tăng trưởng kinh tế chậm lại tiếp tục là nhu cầu toàn cầu yếu, xung đột địa chính trị tiếp diễn. Về chính sách, các biện pháp căn bản vẫn là chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công sẽ là then chốt để thúc đẩy nhu cầu nội địa".
Trong báo cáo công bố ngày 17/7, ADB dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay, cao hơn so với mức 4,9% dự báo hồi tháng 4.
Trong năm 2023, khu vực này ghi nhận tăng trưởng 5,1%. Báo cáo lưu ý nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với sản phẩm điện tử đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh của khu vực. Tuy nhiên, ADB vẫn giữ mức dự báo tăng trưởng 4,9% đối với khu vực châu Á trong năm 2025 do lo ngại tác động của những biến động trên thế giới, bao gồm sự không chắc chắn về đường lối hoạch định chính sách liên quan đến các cuộc bầu cử ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Mỹ.
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á trong năm 2024 lên mức 4,6%, so với dự báo 4,5% được đưa ra trước đó. Động lực tăng trưởng của khu vực này chủ yếu nhờ tăng trưởng xuất khẩu thiết bị bán dẫn và các mặt hàng điện tử khác vốn được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Dự báo tăng trưởng đối với khu vực Đông Nam Á trong năm 2024 và 2025 lần lượt là 4,6% và 4,7%./.