Nhận định ban đầu về những tác động của căng thẳng Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam

Những xung đột và căng thẳng chính trị giữa các quốc gia luôn có tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, và một trong những điểm nóng mới nhất trên thế giới là xung đột Nga-Ukraine. Xung đột này cũng ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh kinh tế của nước ta, đặc biệt về các khía cạnh như thị trường chứng khoán, xăng dầu, lạm phát và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ khi Ukraine triển khai một lực lượng lớn quân đội dọc khu vực giáp Donbass khiến Nga tin rằng Ukraine sắp mở cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng thân Nga tại khu vực này. Tổng thống Nga Putin ngay lập tức triển khai quân đội Nga dọc biên giới trên bộ giáp với Ukraine để gây áp lực cho Ukraine. Và vào ngày 24/02/2022, Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở vùng Donbass thuộc miền Đông Ukraine. Đáp trả lại việc triển khai chiến dịch của Nga, các quốc gia trên thế giới đã có những động thái mạnh về quân sự và kinh tế để thể hiện sự phản đối của mình. Ngay ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra quyết định trừng phạt các tổ chức tài chính và công ty quốc doanh, quân sự của Nga, cấm họ mua công nghệ thiết yếu, như chip máy tính. Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Australia và nhiều nước khác đều đã thông báo trừng phạt các công ty và cá nhân Nga. Và trong ngày 28/02, các nước phương Tây đã loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đây là những đòn trừng phạt rất mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của Nga.

Tuy Nga và Ukraine không phải là các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam nhưng xung đột này cũng ảnh hưởng tới rất nhiều khía cạnh kinh tế của nước ta, đặc biệt về các khía cạnh như thị trường chứng khoán, xăng dầu, lạm phát và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

1. Thị trường chứng khoán

Ngay trong ngày tổng thống Nga tuyên bố chiến dịch quân sự, chứng khoán thế giới và cả Việt Nam trượt dốc rất mạnh. Cuối phiên sáng ngày 24/02, VN-Index giảm 14,66 điểm còn 1.497,64 điểm, HNX-Index giảm 6,02 điểm xuống 436,52 điểm, UPCoM-Index mất 1,17 điểm xuống 112,34 điểm. Các nhóm ngành lớn trên 3 sàn giảm mạnh gồm các nhóm ngân hàng, bất động sản, thép, thực phẩm, bán lẻ, điện, xây dựng….

Tuy nhiên, đà giảm này không tiếp tục lâu. Thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam hồi phục ngay ngày 25/02 và không biến động mạnh sau đó. Điều này có thể giải thích do thị trường vốn quốc tế đã định giá trước rủi ro xung đột giữa Nga và Ukraine như là một phần của đà trượt giá cổ phiếu trong vài tháng qua. Vì thế khi cuộc xung đột bắt đầu, nó chưa tác động đáng kể đến các nền tảng kinh tế cơ bản của Hoa Kỳ, EU cũng như của Việt Nam. Nhưng câu chuyện tiếp theo vẫn sẽ phụ thuộc vào kịch bản phát triển của xung đột Nga-Ukraine. Nếu như xung đột này ngày càng leo thang, phần lớn các nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn.

Dù vậy, vẫn có một số nhóm ngành có thể tận dụng cơ hội này để phát triển. Theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), ba nhóm ngành có thể được hưởng lợi từ chiến dịch quân sự này bao gồm dầu khí, phân đạm và thép. Theo chúng tôi, đây là nhận định khá hợp lý với tình hình kinh tế khu vực. Nguyên nhân chính là bởi đây là các lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nga có những thế mạnh nhất định. Nếu Nga mất thị trường vì cuộc xung đột này, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam lấp đầy thị trường và nâng cao vị thế trong dài hạn.

2. Thị trường xăng dầu

Theo ngân hàng đầu tư Cowen, Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng mỗi ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu. Khoảng 60% sản lượng dầu đi đến Châu Âu và 30% đến Trung Quốc. Như vậy, Nga là một trong các quốc gia chiếm vị trí quan trọng trong nguồn cung dầu mỏ hiện nay trên toàn thế giới.

Giá dầu thế giới tăng cao sẽ tạo áp lực rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Theo ước tính, giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36%. Khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh và đã phải đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như các gói hỗ trợ kinh tế và giảm thuế VAT, lệ phí trước bạ cho ô tô v.v… Theo chúng tôi, nếu xăng dầu thế giới tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động kép và có thể làm các chính sách hỗ trợ của nhà nước giảm hiệu quả đáng kể.

picture1-1646385859.png

Biểu đồ: trữ lượng dầu mỏ một số quốc gia trên thế giới (đơn vị: tỷ thùng)

(Nguồn: World Population Review)

3. Lạm phát

Theo BSC, giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng có thể khiến lạm phát ở Việt Nam tăng cao lên 5,1%. Mức lạm phát này vẫn có thể tăng thêm nữa nếu Nga giảm xuất khẩu dầu mỏ, hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ của họ bị hư hại.

Các nhóm hàng hóa khác cũng gây thêm lo lắng về lạm phát. Giá một số mặt hàng nông nghiệp trên thế giới đang tăng vọt do Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 20% lượng ngô xuất khẩu toàn cầu và 25% lượng lúa mỳ xuất khẩu. Tuy Việt Nam không nhập khẩu nhiều lương thực từ các thị trường này, nhưng các tác động gián tiếp từ lạm phát của thế giới đến Việt Nam cũng đáng quan tâm. Ngoài ra, Nga là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới và là một trong các quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất vào Việt Nam (tổng khối lượng nhập khẩu phân bón năm 2021 từ Nga là 386.193 tấn). Vì thế, nếu giá phân bón tăng, nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng tới giá các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu của người tiêu dùng Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn.

4. Xuất nhập khẩu

Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga, chiếm khoảng 1,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Còn đối với Ukraine, thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Ukraine trong năm 2021 đạt 720 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

picture2-1646386466.png

Biểu đồ: cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (Nguồn: Vietnambiz)

Như vậy, ảnh hưởng trực tiếp từ xuất nhập khẩu tới 2 thị trường này tới Việt Nam là thấp và Việt Nam sẽ chịu tác động chính từ những ảnh hưởng gián tiếp của thế giới. Trong tình hình tới, nếu các quốc gia phương Tây có những cấm vận lớn với Nga, Việt Nam sẽ có cơ hội để thâm nhập một số thị trường sản phẩm cạnh tranh mà Nga và Ukraine đang chiếm giữ, đặc biệt về các sản phẩm như ngô, phân bón, v.v…

5. Một số tác động khác

Căng thẳng Nga - Ukraine cũng làm tăng một số rủi ro nhất định đối với ngành cụ thể. Nga là một nhà cung cấp lớn trên thị trường toàn cầu với đồng, nhôm và paladi. Norilsk Nickel của Nga là nhà sản xuất paladi lớn nhất thế giới, với hơn 40% tổng sản lượng toàn cầu. Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất hoặc phân phối các sản phẩm đó có thể phá vỡ chuỗi cung ứng cho cho các bộ chuyển đổi xúc tác trong ôtô, tụ điện trong điện thoại di động và khiến giá của các mặt hàng này tăng cao trong thời gian tới.

Kết luận

Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế mở, có nhiều quan hệ kinh tế với các khu vực trên thế giới, vì vậy, xung đột Nga-Ukraine đã có những tác động cơ bản tới một số khía cạnh kinh tế Việt Nam. Dựa trên tình hình hiện tại, chúng tôi nhận thấy các tác động này vẫn đang ảnh hưởng mang tính ngắn hạn và chưa thể hiện xu thế rõ ràng. Các tác động tới nền kinh tế trong tương lai sẽ đi kèm với các kịch bản có thể xảy ra trong cuộc xung đột này. Chúng tôi hy vọng một số nhận định này có thể giúp các chủ thể kinh tế chuẩn bị, đối phó với các biến động từ cuộc xung đột đầy rủi ro.

Tài liệu tham khảo

https://www.kiplinger.com/investing/604247/how-could-the-russia-ukraine-conflict-affect-your-investments

https://theconversation.com/ukraine-world-financial-markets-have-not-broken-sweat-since-the-russian-escalation-why-177680

https://vneconomy.vn/cang-thang-nga-ukraine-co-anh-huong-da-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam.htm

https://vietnambiz.vn/thuong-mai-giua-viet-nam-voi-nga-va-ukraine-chiem-12-kim-ngach-xuat-nhap-khau-nam-2021-20220224155840791.htm

https://www.vietnamplus.vn/chung-khoan-viet-nam-phan-ung-manh-cung-thi-truong-the-gioi/774736.vnp

https://vnexpress.net/khung-hoang-ukraine-co-the-gay-ra-cu-soc-nguon-cung-moi-cho-toan-cau-4432310.html

https://vietnambiz.vn/gia-dau-tang-se-anh-huong-ra-sao-den-lam-phat-va-toc-do-tang-truong-kinh-te-viet-nam-20220221120114914.htm

https://vneconomy.vn/chi-1-45-ty-usd-nhap-khau-phan-bon-trong-nam-2021-42-la-tu-trung-quoc.htm

https://www.vietnamplus.vn/chung-khoan-viet-nam-phan-ung-manh-cung-thi-truong-the-gioi/774736.vnp

https://vnexpress.net/ba-nhom-nganh-co-the-huong-loi-tu-chien-su-nga-ukraine-4432692.html

https://worldpopulationreview.com/country-rankings/oil-reserves-by-country

https://vnexpress.net/cac-lenh-trung-phat-thu-thach-phao-dai-kinh-te-nga-4432808.html

PGS.TS Trần Đức Hiệp, Th.S Hoàng Ngọc Quang (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội)