Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm đánh giá thực trạng nghèo đa chiều theo cách tiếp cận sinh kế bền vững của 744 hộ tại 3 huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Bắc Quang của tỉnh Hà Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hộ nghèo đa chiều theo cách tiếp cận sinh kền bề vững hầu hết bị thiếu hụt ở các tiêu chí HL, NS, NL, TC, HTR và TN. Các giải pháp được đưa ra là tăng cường đào tạo, tập huấn, xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, khuyến khích các hộ tham gia vào các tổ chức đoàn thể xã hội.
Từ khoá: Nghèo đa chiều, sinh kế bền vững, Hà Giang
Abtracts
This study aims to assess The multidimensionally poor households following the sustainable livelihood approach of 744 households in 3 districts of Dong Van, Hoang Su Phi and Bac Quang in Ha Giang province. The results show that the multidimensionally poor households following the sustainable livelihood approach are mostly deficient in the criteria of HL, budget, energy, finance, efficiency and experiment. The proposed solutions are to strengthen training and training, to build infrastructure in mountainous, remote areas, and to encourage households to participate in social organizations.
Keywords: Multidimensional poverty, sustainable livelihoods, Ha Giang
1. Giới thiệu
Nghèo đói cản trở sự phát triển của con người và sự tiến bộ của nền văn minh, do đó tất cả các quốc gia hết sức coi trọng công tác xóa đói, giảm nghèo [1]. Thêm nữa, giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu của phát triển công bằng, bền vững và đã nhận được sự quan tâm sâu rộng của cộng đồng học thuật quốc tế [2]. Tuy nhiên áp dụng duy nhất tiêu chí thu nhập để xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo đã dẫn đến sự phân loại đối tượng chưa thực sự chính xác và bộc lộ nhiều khuyết điểm [3]. Bắt đầu từ 2016, Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo đa chiều cho giai đoạn 2016-2020 theo quyết định số 59/2015/QĐ-TTg. Tỷ lệ nghèo đa chiều chung của Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm, từ 9,9% năm 2016 xuống còn 4,5% năm 2020.
Hà Giang - là một trong những tỉnh có hộ nghèo cao nhất cả nước, bằng sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo). Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ tháng 8 đến Tháng 10 năm 2021 tại 3 huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì và Bắc Quang tại tỉnh Hà Giang với tổng số hộ gia đình được khảo sát là 744 hộ gia đình.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1 Khung phân tích
Nghiên cứu này sử dụng tiếp cận và cách thức tính toán mức độ thiếu hụt của từng chiều và từng tiêu chí trong đánh giá nghèo đa chiều của OPHI kết hợp với tiếp cận SKBV theo khung sinh kế bền vững của DFID (1999) [4].
2.2. Dữ liệu
Số liệu sơ cấp khảo sát trong đề tài được thực hiện theo 03 bước. Bước 1 là chọn điểm khảo sát. Đề tài chọn 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Hà Giang là huyện Đồng Văn, huyện Hoàng Su Phì và huyện Bắc Quang. Bước 2 là chọn xã khảo sát. Đề tài lựa chọn ngẫu nhiên 02/huyện khảo sát để thu thập thông tin sơ cấp. Cụ thể là huyện Đồng Văn chọn xã Phố Cáo và xã Tả Phìn, huyện Hoàng Su Phì chọn xã Tụ Nhân và xã Nậm Dịch, và huyện Bắc Quang chọn xã Đồng Tâm và xã Quang Minh.
Cuối cùng, bảng câu hỏi thí điểm được thực hiện trong số 30 hộ gia đình ngẫu nhiên trước cuộc khảo sát chính của hộ gia đình. Sau đó, mỗi xã chọn tối đa 100 hộ, tức là mỗi huyện điều tra 200 phiếu (200 hộ/huyện). Phương pháp điều tra xã hội học, thực hiện phỏng vấn trực tiếp 01 thành viên (chủ hộ hoặc có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên) trong gia đình là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 3 huyện của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình điều tra tác giả thu thập được 744 mẫu, 744 mẫu này được xử lý và tiếp tục thực hiện các bước phân tích dữ liệu.
Các dữ liệu của bài nghiên cứu được xử lý và phân tích bằng phần mềm Stata và Microsoft Excel để thực hiện thống kê mô tả các biến nhân khẩu học, tỷ lệ phần trăm, tần số, các biêu đồ thống kê các chỉ thị và tính toán các điểm thiếu hụt và phân loại các hộ gia đình theo mức độ nghèo đa chiều tiếp cận SKBV. Trong nghiên cứu này có tất cả có 18 tiêu chí thuộc 5 nhóm nguồn lực sinh kế được lựa chọn để đánh giá dựa trên Nghị định Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 số: 07/2021/NĐ-CP[6], các nghiên cứu trong nước và quốc tế tương ứng với 5 nguồn vốn sinh kế. Trong đó, trọng số của mỗi tiêu chí được sử dụng trong chiều thứ i được tính toán theo công thức sau:
Với mi là tổng số chiều được xét và mj tổng số tiêu chí của chiều i. Như vậy, trong bài nghiên cứu tổng số chiều được xem xét là 5 chiều, do đó mỗi chiều được xem xét có trọng số là 1/5. Ở chiều vốn con người có 4 tiêu chí, mỗi tiêu chí có trọng số là 1/20; ở chiều vốn vật chất có 8 tiêu chí, mỗi tiêu chí có trọng số là 1/40; ở chiều vốn tự nhiên, vốn con người và vốn tài chính, mỗi chiều trong số này là 2 tiêu chí và mỗi tiêu chí có trọng số là 1/10. Để đơn giản hóa về mặt tính toán, nghiên cứu lấy mẫu số chung là 40, do đó các tiêu chí chiếm 1/10 trọng số sẽ có 4 điểm, các tiêu chí chiếm 1/20 trọng số sẽ có 2 điểm và các tiêu chí chiếm 1/40 trọng số sẽ có 1 điểm. Tính toán tổng số điểm thiếu hụt tất cả các chiều đánh giá và quy đổi ra mức độ nghèo tương đương theo bảng:
Bảng 2.1: Bảng quy đổi về mức độ đánh giá nghèo đa chiều theo cách tiếp cận SKBV
Nếu thiếu hụt |
Số điểm tương ứng |
Mức độ nghèo |
>=3/5 tổng số điểm |
>=24/40 |
Nghèo đa chiều nghiêm trọng theo tiếp cận SKBV |
2/5-3/5 tổng số điểm |
16/40 – 24/40 |
Nghèo đa chiều theo cách tiếp cận SKBV |
1/5-2/5 tổng số điểm |
8/40 -16/40 |
Cận nghèo đa chiều theo cách tiếp cận SKBV |
<1/5 tổng số điểm |
<8/40 |
Không nghèo đa chiều theo cách tiếp cận SKBV |
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp
3.1. Kết quả đánh giá nghèo đa chiều theo cách tiếp cận sinh kế
Như vậy, khi đánh giá nghèo chiều theo cách tiếp cận SKBV có 95,16% các hộ khảo sát nghèo đa chiều, tức là 4,84% hộ không thuộc nhóm nghèo. Các hộ nghèo đa chiều theo cách tiếp cận này tập trung vào 2 nhóm là nhóm nghèo với 46,64% và nhóm cận nghèo là 42,27% và chỉ có 6,05% hộ thuộc nhóm nghèo nghiêm trọng.
Có một điểm thú vị phát hiện trong kết quả phân tích, với 744 hộ gia đình khảo sát đều thuộc một trong 6 đối tượng là hộ nghèo cũ, hộ nghèo mới, hộ cận nghèo cũ, hộ cận nghèo mới, hộ thoát nghèo và hộ tái nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, tức hầu hết các hộ gia đình đều là các hộ nghèo, cận nghèo (chỉ 10/744 hộ là hộ thoát nghèo dựa trên dữ liệu thu thập được, tương đương 1,34%). Tuy nhiên, bằng cách tiếp cận SKBV để đánh giá nghèo đa chiều tại khu vực nghiên cứu, có 4,87% hộ gia đình không thuộc nhóm nghèo. Điều này có thể giải thích là do cách phân loại mức độ nghèo của các hộ gia đình theo 2 cách tiếp cận này khác nhau. Ngoài ra, trong quá trình thu thập dữ liệu, một số người trả lời tự nhận họ đang thuộc nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc được trao tặng hộ nghèo từ phía chính quyền thay vì được đánh giá dựa trên các tiêu chí đa chiều. Phương pháp tiếp cận SKBV để đánh giá nghèo đa chiều của hộ gia đình mang tính ưu việt, đánh giá hộ nghèo chính xác hơn, bởi lẽ phương pháp này xem xét sự thiếu hụt các nguồn lực mà họ có, bao gồm nội lực của hộ và các hỗ trợ bên ngoài, thay vì chỉ dựa vào hỗ trợ của nhà nước.
Xét theo khu vực địa lý, huyện Đồng Văn có tỷ lệ hộ ngheo đa chiều theo cách tiếp cận SKBV là 98,64% hộ - tỷ lệ cao nhất trong 3 huyện, tiếp đó là huyện Hoàng Su Phì với 97,98% hộ và huyện Bắc Quang với 87,70% hộ nghèo đa chiều, với tỷ lệ hộ thuộc nhóm nghèo nghiêm trọng và nhóm nghèo thấp hơn so với 2 huyện còn lại. Sở dĩ như vậy, huyện Đồng Văn và huyện Hoàng Su Phì vốn là 2 huyện nghèo trong 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang được hưởng các chính sách từ nghị quyết 30a của Chính phủ dành cho 62 huyện nghèo nhất cả nước. Những khó khăn về mặt địa lý, với địa hình chủ yếu là núi đá trên cao nguyên đá Đồng Văn, địa hình chia cắt, núi cao và vực sâu ở huyện Hoàng Su Phì, huyện có độ dốc cao, bị chia cắt mạnh bởi các con suối, có những thôn bản cách xa trung tâm xã đến 10km, cùng với điều kiện sản xuất không thuận lợi, thiếu nước và thiếu đất canh tác trồng trọt, phong tục canh tác lạc hậu, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, dẫn đến việc ứng dụng KHKT và đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp nhiều khó khăn nên dù mưa thuận gió hòa thì ngay cả các gia đình có nhiều người trong độ tuổi lao động vẫn thiếu ăn.
Còn huyện Bắc Quang nằm ở vị trí đắc địa - cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Giang, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, có 85% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp, diện tích chăn thả lớn, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia sức, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho cho việc trồng các cây nguyên liệu giấy, chè, dược liệu, cây ăn quả. Do đó, nhìn chung, cả ba huyện phần lớn các hộ gia đình bị nghèo đa chiều theo cách tiếp cận sinh kế bền vững trong đó thì huyện Đồng Văn có mức độ nghiêm trọng nhất, sau đó đến huyện Hoàng Su Phì và huyện Bắc Quang có mức độ nghèo đa chiều thấp nhất.
Bảng 3.1: Kết quả đánh giá nghèo đa chiều theo tiếp cận SKBV chia theo KVNC
Nhóm nghèo |
Huyện Đồng Văn |
Huyện Hoàng Su Phì |
Huyện Bắc Quang |
Tổng |
Tỷ lệ (%) |
|||
Số hộ |
Tỷ lệ (%) |
Số hộ |
Tỷ lệ (%) |
Số hộ |
Tỷ lệ (%) |
Số hộ |
Tỷ lệ (%) |
|
Nghèo nghiêm trọng |
28 |
9.52 |
9 |
3.64 |
8 |
3.94 |
45 |
6.05 |
Nghèo |
158 |
53.74 |
126 |
51.01 |
63 |
31.03 |
347 |
46.64 |
Cận nghèo |
104 |
35.37 |
107 |
43.32 |
105 |
51.72 |
316 |
42.47 |
Không nghèo |
4 |
1.36 |
5 |
2.02 |
27 |
13.30 |
36 |
4.84 |
Tổng |
294 |
100 |
247 |
100 |
203 |
100 |
744 |
100 |
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp
3.2. Đặc điểm thiếu hụt nguồn vốn sinh kế của các nhóm đánh giá nghèo đa chiều theo cách tiếp cận SKBV
Nhìn vào hình 3.1 các nhóm nghèo khác nhau theo tiếp cận SKBV có mức độ thiếu hụt các nguồn vốn sinh kế khác nhau, bởi lẽ cách tiếp cận này phân chia các hộ gia đình vào các nhóm nghèo dựa trên tổng điểm thiếu hụt về nguồn vốn sinh kế.
Nhóm nghèo nghiêm trọng và nhóm nghèo bị thiếu hụt ở 17/18 chỉ thị, nhóm cận nghèo bị thiếu hụt ở 16/18 chỉ thị và nhóm không nghèo bị thiếu hụt ở 14/18 chỉ thị; cả 4 nhóm không bị thiếu hụt ở chỉ thị ĐN. Cụ thể:
Về nhóm nghèo nghiêm trọng, là nhóm bị thiếu hụt cao nhất ở hầu hết các chỉ số, trong đó 45/45 hộ nghèo nghiêm trọng (100% hộ) thiếu hụt ở chỉ thị TC và các chỉ số thiếu hụt từ 40 hộ trở lên (từ 88,98% hộ) là NS, HV, NVS, ĐNN và TN. Về nhóm nghèo và nhóm cận nghèo, hộ nghèo đa chiều ở 2 nhóm này cũng có tỷ lệ thiếu hụt cao trên nhưng vẫn thấp hơn so với nhóm nghèo nghiêm trọng và không có hộ nào thuộc nhóm cận nghèo thiếu hụt chỉ thị KTT. Cuối cùng, về nhóm không nghèo, tất cả các hộ thuộc nhóm này đều có người trong độ tuổi lao động (LĐ), bảo hiểm y tế (YT), tài sản sinh hoạt – tiện ích(TBĐT), sử dụng điện năng trong sinh hoạt hàng ngày (ĐN), có các kênh thông tin (KTT).
Tóm lại, xét tỷ lệ thiếu hụt theo 5 nguồn vốn SK của các nhóm đánh giá nghèo đa chiều theo tiếp cận SKBV: Nhóm nghèo nghiêm trọng bị thiếu hụt nhiều nhất ở nguồn vốn xã hội và tự nhiên, nhóm nghèo bị thiếu hụt bị nhiều nhất ở nguồn vốn tự nhiên và vốn tài chính, còn nhóm cận nghèo thì vốn tài chính có tỷ lệ thiếu hụt cao nhất, cuối cùng nhóm không nghèo, tỷ lệ thiếu hụt nhiều nhất ở nguồn vốn vật chất.
4. Kết luận và giải pháp
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các hộ gia đình thiếu hụt chủ yếu nguồn vốn tài chính, vốn tự nhiên và vốn xã hội. Về vốn con người, các hộ gia đình có nguồn lao động dồi dào nhưng trình độ học vấn và tay nghề thấp. Về vốn vật chất, 100% các hộ gia đình có điện sử dụng, phần lớn các hộ gia đình sở hữu tài sản sinh hoạt, tiện ích trong nhà, tài sản sản xuất và một số hộ gia đình thiếu phương tiện đi lại, còn thiếu nhà ở và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nước sạch và nhiên liệu nấu ăn chưa đáp ứng được nhu cầu. Về vốn xã hội, kênh thông tin chủ yếu của hộ gia đình là loa đài truyền thanh thôn xã và trao đổi trong cộng đồng, chỉ có số ít các hộ gia đình tham gia vào các tổ chức đoàn thể. Về vốn tự nhiên, phần lớn các hộ gia đình đều có đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chính, một số hộ có đất trồng rừng nhưng thu nhập từ nguồn này còn hạn chế. Về vốn tài chính, hơn 50% số hộ gia đình thiếu hụt tiêu chí TN và nếu áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2022- 2025 thì số hộ gia đình thiếu hụt lên tới 95,43%.
Về kết quả đánh giá nghèo chiều theo cách tiếp cận SKBV có tỷ lệ rất cao số hộ gia đình nghèo đa chiều là 86,16%, tập trung vào 2 nhóm là nhóm nghèo và nhóm cận nghèo. Các hộ nghèo đa chiều theo cách tiếp cận sinh kền bề vững hầu hết bị thiếu hụt ở các tiêu chí HL, NS, NL, TC, HTR và TN. Nhà nước cung cấp các chương trình, khóa học đào tạo, tập huấn, tăng cường công tác khuyến nông, thông tin truyền thông đến các hộ nghèo. Trong đó, mạng lưới dạy nghề cần được quy hoạch theo vùng, địa phương và đào tạo ngắn hạn linh hoạt, gắn với từng cây, từng con, từng nghề của người dân tộc. Chú trọng đến đặc tính canh tác và sinh hoạt của từng nhóm dân tộc.
Cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, nước sạch, điện, thông tin liên lạc giúp thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ địa phương và các cơ quan doanh nghiệp. Hiện nay, cơ sở hạ tầng đường xá từ các xã lên trung tâm đã được khai thông nhưng đường giữa các thôn, bản vẫn còn khó khăn, chủ yếu là đường đất. Điều này gây bất lợi cho người dân trong việc đi lại cũng như khó khăn trong việc tuyên truyền vận động Các hộ gia đình nên tích cực tham gia vào các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ, hợp tác xã, v.v.. Điều này giúp xây dựng tư cách thành viên và sự tín nhiệm của mỗi hộ gia đình. Bằng cách tham gia vào các tổ chức đoàn thể, các hộ gia đình sẽ được hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, được chia sẻ các kỹ năng và kinh nghiệm, nắm bắt được thông tin và chính sách mà mình được hưởng.
Cần cải thiện trình độ học vấn của các thành viên. Các hộ gia đình đều có nguồn lao động dồi dào, sức khỏe tốt tuy nhiên trình độ nhận thức còn hạn chế. Điều này gây thách thức lớn cho các hộ gia đình thoát nghèo. Do vậy, các hộ nghèo cần tích cực tham gia các buổi tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm về sinh kế bền vững, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để tăng nguồn thu nhập./
Tài liệu tham khảo
- J. Chen et al., "Poverty Vulnerability and Poverty Causes in Rural China," Social Indicators Research, 1, 2020.
- W. Wang et al., "Impact of livelihood capital endowment on poverty alleviation of," Land Use Policy, 1-14, 2021.
- Nguyễn Mạnh Thắng, “Đánh giá thực trạng nghèo đa chiều tại huyện Phú Lương - tỉnh Thái Nguyên,” Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ,152, 77-81, 2016.
- DFID, Sustainable livelihood guidance sheets, London: UK, 1999.
- "OPHI," Global Multidimensional Poverty Index, What is the global MPI?, 2020. [Online].
- Nghị định số 07/2021/NĐ-CP về Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2015 ban hành ngày 27/01/2021
- E. J. Udoh, "Assessment of Sustainable Livelihood Assets of Farming Households," Journal of Sustainable Development, 10(4), 83-96, 2017.