Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn gì?

Chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường cần kiểm soát carbohydrate, ưu tiên rau và carbohydrate phức, hạn chế đường và chất béo, chọn nguồn protein lành mạnh.
tieu-duong-1697416834.jpg
Thực phẩm cho người bị tiểu đường là những loại giúp ổn định đường huyết và có khả năng hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng bệnh - Ảnh minh họa.

Người tiểu đường có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe khi tiếp xúc với virus và vi khuẩn. Tăng cường hệ miễn dịch giúp xây dựng hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại và cải thiện sức khỏe tổng thể. Dưới đây là danh sách các thực phẩm mà nên thường xuyên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày.

Đậu lăng

Tế bào bạch cầu cần kẽm để hoạt động, và các thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất như vitamin A, D, E, kẽm, sắt, selen, cùng với chất đạm có trong đậu đều có lợi cho hệ miễn dịch.

Ngoài ra, chất xơ trong đậu lăng là một nguồn thức ăn quan trọng cho vi khuẩn đường ruột. Vào khoảng 70-80% hệ miễn dịch của cơ thể tập trung ở ruột. Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, loại đậu này có chỉ số đường huyết thấp, phù hợp cho người bệnh tiểu đường.

Hạt óc chó

Quả óc chó chứa nhiều vitamin E, một chất chống oxi hóa mạnh có khả năng bảo vệ hệ thống miễn dịch và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Hạt óc chó cũng giàu axit béo omega-3, giúp giảm viêm nhiễm, và ít carbohydrate, từ đó giảm thiểu tác động lên mức đường glucose. Điều này khiến quả óc chó là một lựa chọn lành mạnh, đặc biệt phù hợp cho những người muốn giảm cân hoặc duy trì cân nặng vừa phải.

Cá béo

Axit béo omega-3, có trong cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu, tăng khả năng hoạt động của tế bào miễn dịch. Nghiên cứu năm 2019 của Đại học East Anglia (Anh) đã chứng minh rằng omega-3 có khả năng tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu, đồng thời củng cố lợi ích cho hệ thống miễn dịch.

Cá béo cũng có khả năng giảm viêm, cải thiện chức năng mạch máu và làm giảm lượng chất béo có hại trong cơ thể người tiểu đường. Khi chế biến cá, nên hạn chế sử dụng gia vị, và tránh dùng nước sốt để giảm lượng carbohydrate.

Ớt chuông

Ớt chuông cung cấp nhiều vitamin C, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và loại bỏ các gốc tự do gây tổn thương tế bào. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một chén ớt chuông đỏ thái lát chứa 117 mg vitamin C, tương đương 130% nhu cầu hàng ngày. Ớt chuông không chứa tinh bột, do đó ít ảnh hưởng đến đường huyết. Vitamin C trong thực phẩm này còn kiểm soát huyết áp và giúp làm lành vết thương.

Cà rốt

Cà rốt giàu dinh dưỡng, chứa nhiều beta carotene (tiền chất của vitamin A), có chỉ số đường huyết thấp. Vitamin A hỗ trợ sự phát triển và phân phối của các tế bào T, một loại tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Vitamin C trong cà rốt hoạt động như chất chống oxy, hỗ trợ bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do gây hại. Vitamin này còn giúp cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại bệnh tật.

Diễm Quỳnh