Người lương thiện sống độ lượng, người thông minh sống ích kỷ?

Trên thế giới này có "chín người mười ý", chúng ta không thể nào làm hài lòng hết tất cả mọi người. Đối với những người coi thường chúng ta, không cần để ý; cũng không cần lãng phí cảm xúc buồn tủi hay bực bội làm gì, nên tận lực tránh xa họ càng xa càng tốt!
cuoc-song-binh-yen-1643012772.jpg
Minh họa

Einstein từng nói: "Một trong những điều tốt nhất trên thế giới này, chính là vài người bạn tri kỉ chơi với bạn thật lòng, nói ra lời thật tình."

Trong xã hội này, dù là người ít nói hay giỏi kết giao đi nữa, cũng phải nên học cách kết bạn. Có người còn cho rằng: thêm một người bạn, thêm một lối ra. Thế nên bọn họ gặp ai cũng thân thiện kết giao, kiếm thêm càng nhiều người hơn nữa vào vòng bạn bè của mình.

Nhưng dù bạn có thật lòng hay chơi hết mình đến đâu đi nữa, không phải ai cũng dùng sự thật tâm để đáp lại bản tính lương thiện của bạn. Do đó, làm người đừng nên quá độ lượng, đặc biệt là đối với những người, những việc thế này, càng sống ích kỉ càng tốt!

1. Đối với những "chuyên gia" vay tiền không trả, nên tránh xa tuyệt đối!

Tiền là thứ duy nhất có thể khiến cho mọi người trên đời đều yêu thích và muốn có. Mà điều nhiều người sợ nhất, cũng chính là nghe có người hỏi "mượn tiền" từ họ. Thông thường, khi mượn tiền, mọi người đều là bạn bè. Nhưng khi trả tiền, có thể cả hai đã biến thành kẻ thù mất rồi.

Cách đây một thời gian, anh bạn cùng phòng phàn nàn với tôi về việc cho bạn vay 5 triệu nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy trả.

Người kia là bạn thân của anh ta, khi mượn thì hứa rằng đúng 2 tháng sau sẽ trả, nhưng hiện tại đã qua 6 tháng trời, vẫn chưa thấy người kia có động tĩnh gì.

Anh bạn cùng phòng tôi ngại mặt mũi, nên không dám đòi thường xuyên. Sau đó, vì anh ấy mới mua trả góp chiếc xe hơi nên muốn đòi người bạn thân kia lại tiền để trả mỗi tháng.

Kết quả, người bạn kia mắng anh ta một trận, bảo anh ta là người "kẹt xỉ", rồi dọn phòng đi luôn. Tình bạn giữa hai người tan vỡ, mà tiền bạc của anh ta cũng "bay" theo người bạn thân kia luôn rồi. Tôi không phản đối việc cho bạn bè mượn tiền, nhưng tôi cực kì phản đối việc cho người như vậy mượn tiền.

Đời người "lên voi xuống chó" thất thường, nhất định sẽ có những lúc gặp khó khăn cần tiền gấp, tôi có thể cho bạn mượn, đó là cái "tình", chứ không phải tôi mắc nợ bạn. Bởi vì tiền bạc mỗi người có đều do mồ hôi, công sức mà bản thân tự mình làm ra.

Trên thực tế, những người thích mượn tiền mà có thói quen "xài xong không trả", thường có một đặc điểm: chính là họ chỉ muốn lợi dụng bạn, muốn chiếm lợi từ người khác, nên mới không chủ động tìm bạn trả tiền.

Người như vậy không được coi là bạn. Bạn bè thật sự sẽ giúp đỡ lẫn nhau, mà không bao giờ làm việc tổn hại đến lợi ích của đối phương như thế. Nếu gặp phải người như thế, chúng ta cứ tránh càng xa càng tốt!

2. Đối với những việc "được nhờ" mà không làm được, cứ dứt khoát từ chối!

Trên đường đời, chúng ta có thể quen biết rất nhiều người, nhưng dù chúng ta có "trải đời" đến thế nào đi nữa, cũng không thể nhìn người chuẩn 100%, không thể biết rõ được ai chân thật, ai giả dối.

Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta được giáo dục phải biết giúp đỡ người khác. Nhưng không phải cái gì được "nhờ" cũng lao đầu vào "giúp" một cách mù quáng là hay.

Thực tế cho thấy, mỗi người đều có thể tự mình đứng vững thông qua hàng ngàn thử thách khắc nghiệt của xã hội. Chúng ta không giúp, họ vẫn có thể tự mày mò ra cách khác để giải quyết, chỉ có điều bước đường chông chênh hơn thôi! Vậy khi gặp lời "nhờ vả" không hợp lí hoặc vượt quá khả năng của bạn thì sao?

Trước tiên, bạn hãy xem xét kĩ mối quan hệ của bạn với họ là gì? Nếu họ là những người bạn thực sự, xem trọng bạn, đối xử tốt với bạn: Vậy hãy nói sự thật với họ, tôi tin họ nhất định có thể thông cảm cho bạn.

Ngược lại, đối với những người có quan hệ không thân hoặc không tốt: Cứ từ chối thẳng, đây cũng là dịp quan trọng để bạn đánh giá lại "cân nặng" của bạn trong lòng họ. Nếu họ phàn nàn, trách móc bạn, chứng tỏ họ không phải người bạn thực sự.

Bởi vì bạn bè đúng nghĩa sẽ hiểu và thông cảm cho nhau. Nếu họ coi trọng bạn, họ nhất định sẽ không làm khó bạn hay khiến bạn xấu hổ.

Những người chuyên gia quen bạn chỉ vì mục đích vụ lợi, đạt được thì vui vẻ, không được thì oán trách đều là bạn bè "giả tạo". Những người như thế, bạn nên dứt khoát từ bỏ, không cần khiến mình lún sâu vào rắc rối.

3. Đối với những người coi thường bạn, quyết đoán cắt đứt đi!

Trong cuộc sống, không thiếu những kẻ hợm hĩnh, "mắt chó nhìn người thấp". Đối với họ, chỉ có tiền và địa vị là đáng nhắc tới, còn những người có giá trị lợi dụng thấp, không đáng để họ quan tâm.

Lúc trước, tôi có xem qua một đoạn video, trong đó nhân vật chính là Phương, đang thực tập tại công ty. Tính tình cô hòa đồng, vui vẻ, cởi mở. Nhưng sau một thời gian, cô phát hiện ra có một người cùng bộ phận với cô, anh ta lúc nào cũng vậy, mỗi lần nói chuyện với cô đều "tỏ vẻ ta đây", khinh bỉ cô.

Có lần, lãnh đạo giao cho cô một nhiệm vụ, bảo cô không biết cái gì cứ hỏi người cùng bộ phận kia. Đúng là trong phương án đó có một chỗ cô không hiểu lắm, nên mới hỏi anh ta, kết quả anh ta liếc mắt khinh thường: "Cô có làm được hay không đó!". Từ đó, Phương cố gắng hạn chế không bao giờ gặp anh ta nữa, trừ phi phải nói chuyện về công việc.

Thực tế, trên thế giới này có "chín người mười ý", chúng ta không thể nào làm hài lòng hết tất cả mọi người. Đối với những người coi thường chúng ta, không cần để ý; cũng không cần lãng phí cảm xúc buồn tủi hay bực bội làm gì, nên tận lực tránh xa họ càng xa càng tốt!

Bởi vì dù chúng ta có làm bất cứ việc gì đi nữa, cũng không thể thay đổi lối suy nghĩ chủ quan của họ. Mà đã như vậy, chúng ta cũng không cần quá quan tâm, tử tế. Khi tiếp xúc và kết giao với mọi người, dùng mắt nhìn cho rõ, dùng tâm cảm nhận thật kĩ, xem ai thật sự xứng đáng là "bạn", xứng đáng để kết giao./.