Ngư dân vươn khơi ngay sau dịp Tết để phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển đảo

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, ngư dân Sóc Trăng hăng hái vươn khơi, mang theo kỳ vọng về một mùa đánh bắt thủy sản bội thu. Đối với ngư dân, chuyến đi biển đầu năm thật sự mang nhiều ý nghĩa, vừa kịp thời khai thác, phát triển kinh tế biển, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau những ngày vui Tết sum vầy bên gia đình, bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết, ngư dân tỉnh Sóc Trăng đã bắt đầu ra khơi đón lộc biển đầu năm mới, tiếp tục hành trình vươn khơi bám biển với kỳ vọng một mùa đánh bắt bội thu.

ngu-dan-di-bien-dau-nam-1-1738852413.jpg
Nhộn nhịp không khí đầu năm tại cảng cá Trần Đề. (Ảnh VOV)

Thời điểm này, không khí tại Cảng cá Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã trở nên vô cùng nhộn nhịp. Hàng trăm tàu thuyền đánh bắt nối đuôi nhau ra khơi, mang theo niềm hy vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Ngư dân Huỳnh Văn Mạnh ở thị trấn Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ: "Chuyến ra khơi đầu năm không chỉ vì kinh tế mà còn là khởi đầu ý nghĩa. Chuyến đi này suôn sẻ thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, đi biển cũng thuận lợi hơn".

Ông Nguyễn Hoàng Tâm - chủ một tàu cá ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), cho biết: “Theo quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt", chúng tôi hy vọng chuyến biển đầu năm sẽ thuận lợi, an toàn và mang lại một mùa đánh bắt bội thu”.

Ông Tâm thông tin chuyến biển cuối năm 2024, 3 tàu cá của ông đánh bắt được 30 tấn hải sản các loại, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng/tàu. Số tiền này không chỉ giúp gia đình có một cái Tết sung túc mà còn là nguồn vốn để chuẩn bị cho chuyến đi biển đầu năm.

ngu-dan-di-bien-dau-nam-3-1738852388.jpg
Chuẩn bị nước đá cho chuyến ra khơi đầu năm. (Ảnh VOV)

Thuyền trưởng Trịnh Minh Thuận, ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, có 4 tàu đánh bắt và 1 tàu vận tải, cho biết: "Sau những ngày nghỉ Tết, khuya mùng 3, sáng mùng 4 đã cho 2 tàu xuất bến chuyến đi biển đầu năm, được hai ba đêm thì trời động, gió thổi lên làm không được thì tôi cho ghe nhà chạy ra lấy hải sản đã khai thác được vô bờ, chuyến này là chuyến đầu tiên, thu khoảng hơn 10 tấn hải sản. Khởi đầu năm mới chuyến đầu tiên có cá mang vô là cũng tốt rồi, dù chưa được như ý muốn của mình nhưng đỡ hơn năm rồi. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một năm bội thu, đầy ắp cá tôm".

Đối với ngư dân, chuyến đi biển đầu năm thật sự mang nhiều ý nghĩa, vừa kịp thời khai thác, phát triển kinh tế biển, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sóc Trăng là một trong những tỉnh có ngư trường trọng điểm với nghề cá phát triển mạnh mẽ từ lâu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 tàu khai thác, trong đó có hơn 340 tàu cá có chiều dài trên 15 m đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Với lực lượng lao động nghề cá lên đến 307.672 người, trong đó có khoảng 5.630 lao động trực tiếp trên biển.

Tỉnh này đóng góp một phần không nhỏ vào sản lượng thủy hải sản của cả nước. Theo thống kê, năm 2024, sản lượng khai thác đạt 68.581 tấn. Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, tỉnh Sóc Trăng không có trường hợp tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài.

ngu-dan-di-bien-dau-nam-4-1738852488.jpg
Ngư dân Sóc Trăng hi vọng chuyến biển đầu năm thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm. (Ảnh Phương Anh)

Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, để phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU; rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định.

Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại cảng cá, đồn, trạm biên phòng tuyến biển; đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các tỉnh lân cận để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân…

Theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, công tác pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong thời gian 3 năm trở lại đây, tỉnh Sóc Trăng không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

ngu-dan-di-bien-dau-nam-2-1738852532.jpg
Công tác pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản. (Ảnh VOV)

Trong thời gian tới, ngành thủy sản Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Mặt khác, chú trọng rà soát các tàu về công tác đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, các thủ tục ra/vào, xuất/nhập cảng. Tăng cường công tác giám sát các tàu cá qua cảng để đảm bảo nhật ký khai thác rõ ràng, minh bạch về sản lượng khai thác.

Đồng thời, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm, giúp bà con nâng cao nhận thức, nắm rõ các quy định về khai thác để tiến đến phát triển nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm và bền vững, góp phần gỡ “thẻ vàng” trong năm 2025.

Từ ngày 1/1/2025, tỉnh cũng đã có quyết định hỗ trợ cước phí thuê bao giám sát hành trình cho ngư dân với mức 300.000 đồng/tháng/tàu, áp dụng trong 2 năm. Đây là một chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ ngư dân an tâm vươn khơi bám biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Bình Nguyên