Ninh Thuận phát huy lợi thế từ nỗ lực vươn khơi và phát triển nuôi biển bền vững

Song song với hoạt động đẩy mạnh vươn khơi khai thác, Ninh Thuận tập trung phát triển nghề nuôi biển. Hiện nay, ngư dân ở các huyện ven biển Ninh Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Thuận Nam đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển nghề nuôi các loài cá biển đặc sản, giáp xác và nhuyễn thể trong lồng bè.
thuy-san-ninh-thuan-02-1712488235.jpg
Song song với hoạt động đẩy mạnh vươn khơi khai thác, Ninh Thuận tập trung phát triển nghề nuôi biển. (Ảnh minh họa)

Ứng dụng công nghệ, tăng năng lực đội tàu khai thác xa bờ

Tỉnh Ninh Thuận có đường bờ biển dài hơn 105km, vùng lãnh hải rộng 18.000km2 với nhiều tiềm năng về khai thác, nuôi trồng thủy hải sản; song song với việc tận dụng thế mạnh khai thác để mang lại lợi ích kinh tế, tỉnh luôn chú trọng đến việc bảo vệ, phát triển bền vững những nguồn lợi tài nguyên từ biển.

Vùng biển Ninh Thuận có đặc trưng riêng biệt, là 1 trong 18 vùng nước trồi của thế giới và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Tỉnh đã tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đội tàu và cơ cấu nghề khai thác vùng lộng một cách hợp lý.

Cùng đó, tăng năng lực đội tàu khai thác xa bờ bằng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá; lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại như máy thông tin liên lạc VX-1700, máy dò ngang Sonar, máy radar hàng hải, thiết bị kết nối vệ tinh Movimar, máy thu lưới, thu câu, máy tời thủy lực... và phát triển nghề lưới vây, câu, chụp, lưới rê hỗn hợp để khai thác các loài hải sản ở vùng khơi cho giá trị kinh tế cao.

Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, tỉnh hiện có 2.308 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó có 862 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ. Năm nay, tỉnh đặt chỉ tiêu khai thác 127.150 tấn hải sản các loại.

Để đạt kế hoạch đề ra, ngành thủy sản đã thông báo đến các địa phương huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá Nam;, tổ chức liên kết khai thác trên biển theo các tổ, đội đoàn kết để tăng hiệu quả đánh bắt, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, cung cấp các thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để ngư dân chủ động lập kế hoạch tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

thuy-san-ninh-thuan-01-1712488210.jpg
Tỉnh Ninh Thuận hiện có 2.308 tàu cá từ 6m trở lên; trong đó có 862 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ. (Ảnh minh họa)

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận, để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, năm nay tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản trên các vùng biển xa; tập trung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU); triển khai giải pháp xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước và phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với phát triển du lịch.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 với giải pháp cơ cấu lại đội tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác nguồn lợi thủy sản, phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Cụ thể, Ninh Thuận cấp giấy chấp thuận đóng mới tàu theo hướng ưu tiên các nghề thân thiện với môi trường, tàu được cơ giới hóa cao trong các khâu khai thác và bảo quản sản phẩm, sử dụng vỏ tàu bằng kim loại, vật liệu mới; không cấp giấy chấp thuận đóng mới, cải hoán đối với tàu làm nghề lưới kéo. Đồng thời, chuyển đổi các nghề ven bờ, vùng lộng sang nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản đối với các địa phương có tiềm năng phát triển về nghề nuôi biển.

Đối với nhóm tàu cá vùng khơi đang hoạt động sẽ hạn chế phát triển nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ, cho phép chủ tàu hoạt động kiêm nghề ít xâm hại môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản để chủ tàu có đủ thời gian và kinh phí tiếp cận với nghề chuyển đổi mới. Cùng đó, tỉnh xây dựng mô hình chợ đầu mối hải sản gắn với cảng cá; xây dựng liên kết chuỗi khai thác-thu mua-bảo quản-tiêu thụ hải sản; dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.

Phát triển nuôi biển bền vững

Song song với hoạt động đẩy mạnh vươn khơi khai thác, Ninh Thuận tập trung phát triển nghề nuôi biển. Tận dụng tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển với đa chủng loại hải sản đặc trưng có giá trị kinh tế cao theo hướng bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm áp lực khai thác nguồn hải sản ven bờ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, những năm trước, nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (vùng lộng, vùng gần bờ) ở Ninh Thuận chưa được chú trọng, có chăng cũng chỉ lác đác một số bè nuôi ở vùng gần bờ thuộc khu vực biển phường Đông Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) hoặc khu vực vùng biển Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) với quy mô nhỏ và cách nuôi đơn thuần, chưa đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường, chưa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung phát triển nghề nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm nuôi biển chất lượng cao. Từ đó, góp phần làm gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Tỉnh Ninh Thuận đã quy hoạch vùng nuôi trồng, dự kiến phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 2.252 ha. Trong đó, khu vực nuôi trồng thủy sản biển chuyên canh có diện tích trên 957 ha và khu vực phát triển điện gió kết hợp với nuôi trồng thủy sản biển gần 1.300 ha. UBND tỉnh Ninh Thuận đã trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng nuôi thủy sản của tỉnh. Sau khi được phê duyệt, tỉnh sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, ban hành kế hoạch thu hút các nhà đầu tư vào khai thác nuôi biển ở khu vực này.

Không chỉ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, tại các đầm, vịnh, việc nuôi trồng cũng khá phát triển. Tại Đầm Nại, người dân còn kết hợp giữa nuôi biển với phát triển du lịch, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho lao động vùng biển, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển.

Hiện nay, ngư dân ở các huyện ven biển Ninh Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Thuận Nam đang đẩy mạnh đầu tư, phát triển nghề nuôi các loài cá biển đặc sản, giáp xác và nhuyễn thể trong lồng bè.

thuy-san-ninh-thuan-03-1712488381.jpg
Người dân thu hoạch hàu được nuôi tại Đầm Nại, huyện Ninh Hải. (Ảnh TTXVN)

Hiện tỉnh có 222 bè nổi với 2.400 lồng nổi và khoảng 1.000 lồng chìm đang nuôi tôm hùm tại khu vực biển Bình Tiên, Mỹ Tân, vùng C1, C2, An Hải, Cà Ná; có khoảng 800 lồng bè nuôi cá biển; trên 1.000 bè nuôi hàu Thái Bình Dương tại khu vực Đầm Nại. Các mô hình nuôi biển này có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong ngành thủy sản của địa phương.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động nuôi biển, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp về quản lý đất đai, mặt nước nuôi biển, có cơ chế chính sách thu hút các công ty, tập đoàn vào sản xuất giống thủy sản, phát triển mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Các đơn vị trung tâm giống thủy sản, công ty đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, ương dưỡng tôm giống, các loại cá biển, nhuyễn thể, rong tảo biển có giá trị kinh tế cao. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, giúp giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái.

Để triển khai thực hiện, Ninh Thuận tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện. Đồng thời, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho địa phương, doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp trên địa bàn và cộng đồng ngư dân về tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về khai thác và bảo vệ nguồn lợi nhằm phát triển nghề cá hiệu quả, bền vững./.

Bình Nguyên