Ngư dân vùng bãi ngang tỉnh Quảng Trị được mùa biển

Hơn 1 tháng qua, ngư dân vùng bãi ngang tỉnh Quảng Trị liên tiếp đánh bắt được sản lượng lớn các loại thủy hải sản. Đây là một tín hiệu vui đối với người ngư dân Quảng Trị sau những khó khăn dồn dập do thiên tai và dịch bệnh. Qua đó, hứa hẹn về vụ mùa đánh bắt đạt sản lượng và thu nhập cao khi Tết Nguyên đán đang đến gần… 
vna-potal-ngu-dan-vung-bai-ngang-tinh-quang-tri-duoc-mua-bien-5752144-1636091682.jpg
Người ngư dân ở đây cho biết sau các cơn mưa bão, biển động thì việc đánh bắt thủy hải sản được thuận lợi và đạt năng suất cao. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Theo ghi nhận tại các vùng bãi ngang trên địa bàn, từ đầu tháng 10 đến nay, ngư dân Quảng Trị “trúng đậm” nhiều loại hải sản khác nhau như cá khoai, cá chim, mực, ghẹ, cá bè vàng, cá chai, cá trích, ốc hương…

Tại xã Triệu Lăng, địa phương có số lượng ghe thuyền đánh bắt vùng bãi ngang lớn nhất tỉnh Quảng Trị với 322 chiếc, công suất từ 9-24CV. Theo địa phương này, chỉ trong tháng 10 vừa qua, tổng sản lượng đánh bắt trên địa bàn ước được trên 356 tấn hải sản các loại, doanh thu ước đạt trên 1,7 tỷ đồng. Ông Đặng Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng chia sẻ, thời gian vừa qua, các ghe thuyền đánh bắt gần bờ của xã đều được mùa biển. Bà con rất vui mừng và phấn khởi khi đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị. Có những ghe đạt lợi nhuận từ 5-10 triệu đồng/ngày, trung bình các ghe khác đạt từ 1-5 triệu đồng/ngày đi biển… Chính điều đó đã góp phần giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống cũng có như có điều kiện để đầu tư cải hoán ngư lưới cụ.

Vào khoảng 9 giờ sáng, có mặt tại bãi biển thôn 6, hằng trăm con thuyền cập bến sau một đêm dài đánh bắt trên biển được xếp hàng dài. Những con thuyền này ra khơi vào khoảng 3-4 giờ sáng và cập bến vào lúc 8-9 giờ sáng cùng ngày, trung bình mỗi ghe đi 2 chuyến/ngày. Bà con ở đây cho biết, sau các cơn mưa bão, biển động thì việc đánh bắt thủy hải sản được thuận lợi và đạt năng suất cao.

Vừa trở về sau một đêm đánh bắt trên biển, thuyền của ông Trần Thu, thôn 6, xã Triệu Lăng đầy ắp ghẹ và cá chim biển. Đôi tay thoăn thoắt gỡ ghẹ ra khỏi lưới, ông Thu nói, tàu của ông có công suất 10CV, ra biển từ lúc 3 giờ sáng và đến 8 giờ thì vào lại. Mỗi chuyến như vậy ông thả khoảng 40 tay lưới ghẹ, đánh bắt được khoảng 10-15kg ghẹ, khoảng 5kg cá chim. Mỗi ngày thu được từ 1-1,5 triệu đồng, ngày nào ít thì được khoảng 500.000 đồng. Dịp này mới bão xong nên được mùa ghẹ, những ngày này ông tranh thủ ra biển 2 chuyến/ngày để kiếm thêm thu nhập cho gia đình…

Các loại hải sản được thương lái thu mua tại bãi biển. Ghẹ xanh loại 1 để xuất khẩu có giá từ 170.000-200.000 đồng/kg, ghẹ hoa có giá 50.000-70.000 đồng/kg; cá chim có giá 100.000 đồng/kg; cá khoai có giá 70.000-100.000 đồng/kg…

Ông Trần Vinh Việt, thôn 6, xã Triệu Lăng cho biết, từ đầu tháng 9 âm lịch đến nay, ghe của ông trúng ghẹ liên tục. Trung bình mỗi ngày tôi đánh bắt được 2 chuyến với khoảng 20-30kg ghẹ. Năm nay, tình hình đánh bắt ở vùng biển bãi ngang được mùa hơn những năm trước nhưng giá cả thương lái thu mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị, tỉnh hiện có 217 tàu cá được cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; trong đó, vùng khơi 190/273 giấy phép, đạt 69,5%; vùng lộng 22/176 giấy phép, đạt 12,5%; vùng bờ 5/863 giấy phép, đạt 0,58%. Sản lượng khai thác thủy sản dự ước trong tháng 10 đạt 1.007 tấn; trong đó, khai thác biển 880 tấn, cao hơn cùng kì năm 2020 chỉ khai thác được 295 tấn. Dự ước tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm 2021 đạt 31.874 tấn, bằng 101,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 86,2% so với kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, người ngư dân vùng bãi ngang đánh bắt được nhiều loại hải sản. Sản lượng khai thác cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và đạt kế hoạch đề ra. Người dân phấn khởi, yên tâm bám biển sản xuất hiệu quả.

Để người dân có thể khai thác bền vững nguồn lợi thủy hải sản, đơn vị cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, kiểm tra hướng dẫn bà con khai thác đúng vùng, đúng tuyến không vi phạm Luật Thủy sản 2017. Đặc biệt, đối với người dân vùng bãi ngang, tỉnh cũng tăng cương khuyến cáo bà con không được sử dụng các biện pháp khai thác tận diệt như dùng lưới giã cào hay mìn để bảo vệ ngư trường…/