Giữa bao la núi rừng trùng điệp nơi cực Bắc Tổ quốc, thôn Lô Lô Chải, nơi sinh sống của phần lớn đồng bào người Lô Lô (một trong những dân tộc rất ít người ở Việt Nam) hiện lên bình yên, thơ mộng, cổ kính với những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá. Cảnh đẹp ở Lô Lô Chải còn được tạo nên bởi các mùa hoa quanh năm như: Hoa Đào, Mận, Lê, Cải, Tam giác mạch, cúc dại và các loại hoa cảnh quan khác. Đứng tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp thôn Lô Lô Chải.
Thôn có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Toàn thôn có 114 hộ với 510 khẩu, trong đó dân tộc Lô Lô chiếm trên 91,2%. Thôn còn giữ nguyên nét văn hóa đời sống, trang phục, lễ hội, ẩm thực mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Lô Lô. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, mùa hoa, thôn đều tổ chức các hoạt động để làm phong phú thêm cho sản phẩm du lịch như: “Lễ cúng tổ tiên”, múa trống, thêu dệt vải truyền thống, trò chơi dân gian, hoạt động thể thao. Người Lô Lô chất phác, thật thà và hiếu khách.
Chị Lê Khả Ái, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đã lưu lại tại Lô Lô Chải 2 ngày; chị đi khắp làng Lô Lô Chải tham quan, chụp ảnh, làm những đoạn video giới thiệu trên trang cá nhân về làng Lô Lô Chải; trải nghiệm nghề thêu, mặc trang phục dân tộc và tham gia múa trống cùng người Lô Lô. Cảm nhận khi đến Lô Lô Chải, chị Khả Ái xúc động: "Trước khi đến đây, mặc dù đã tham khảo nhiều thông tin, nhưng tôi không nghĩ có một ngôi làng cổ kính, bình yên, xinh đẹp và thơ mộng đến vậy. Người Lô Lô với những nét văn hoá truyền thống đặc trưng và cách làm du lịch thân thiện đã chinh phục được trái tim tôi".
Người đầu tiên đưa khách du lịch về làng
Trưởng thôn Sình Dỉ Gai năm nay 46 tuổi, rất nhanh nhẹn, hoạt bát trong cả lời nói và hành động, anh nói được cả tiếng Anh. Nửa đời người sống dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, sở hữu ngôi nhà cổ có tuổi đời cả trăm năm, chưa bao giờ anh nghĩ có một ngày, nó mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Anh kể, năm 2011, anh theo đoàn công tác của tỉnh đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch tại một số tỉnh phía Bắc. Anh thấy việc làm du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp giữ được những ngôi nhà truyền thống và nét văn hoá đặc trưng của dân tộc, được du khách rất yêu thích, anh nghĩ người ta làm được, mình cũng sẽ làm được.
Nói là bắt tay làm ngay, đầu tiên, anh làm 1 căn phòng nhỏ cho khoảng 6 khách lưu trú, rồi liên hệ với những người làm du lịch ở tỉnh mà anh quen biết để họ giới thiệu khách cho mình. Ngày đón những vị khách du lịch đầu tiên, anh Gai lóng ngóng, không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải làm sao để cho khách hài lòng. Nhưng rồi sự chân thành, mộc mạc, mến khách của người con dân tộc Lô Lô cùng với đời sống văn hoá phong phú, độc đáo giúp anh "ghi điểm" dần trong lòng du khách. Cứ thế, vừa làm, vừa học, rồi khách nhiều dần lên.
Năm 2014, anh lại tu sửa, chỉnh trang lại ngôi nhà cổ để làm du lịch, đón được khoảng 10 khách. Năm 2017, khách ngày càng tăng, anh làm tiếp một ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô, bố trí các phòng ăn, nghỉ, cà phê hợp lý, khu vệ sinh sạch sẽ. Homestay Sình Gai ngay vị trí đắc địa của thôn với không gian rộng rãi, đủ chỗ để cả gần chục chiếc xe ô tô nên khách về nhà anh cứ thế tăng vùn vụt. Nay, với 2 ngôi nhà dùng để đón khách, Homestay của anh Gai có thể đón được 50 người mỗi ngày. Vào dịp cuối tuần, ngày lễ, tết đều Full phòng, khách muốn có được chỗ nghỉ tại đây, phải đặt phòng trước cả tháng trời. Phòng ngủ trong ngôi nhà cổ của anh Gai có giá 800 trăm nghìn đến 1 triệu đồng/đêm. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm. Để làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, anh Gai tham gia các lớp tập huấn về tiếng Anh giao tiếp, lễ tân, buồng phòng, nấu ăn, chụp ảnh quảng bá về Homestay trên Facebook, zalo, trở thành một hướng dẫn viên du lịch "cứng nghề" khi khách muốn tham quan, tìm hiểu về thôn Lô Lô Chải.
Cả làng làm du lịch
"Tiếng lành đồn xa", khi ngôi làng xinh đẹp của người Lô Lô dưới chân Cột cờ quốc gia Lũng Cú được truyền thông chú ý, khách du lịch săn lùng, lượng khách đến làng tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, đồng thời nhận thấy đây là ngành nghề mới mang lại lợi ích kinh tế và bảo tồn văn hoá, nên Trưởng thôn Sình Dỉ Gai bắt đầu động viên, hướng dẫn các hộ trong thôn cùng làm du lịch, khách nhà nào đông quá thì giới thiệu cho nhà khác với điều kiện về nhà ở, dịch vụ của các homestay đều khá tương đồng. Năm 2016, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trực tiếp mở lớp tập huấn dạy tiếng Anh, kỹ năng lễ tân, giao tiếp, nấu ăn, giúp người Lô Lô làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp.
Thôn lô Lô Chải có 114 hộ, đến nay có 28 hộ làm Homestay, thường xuyên đón khách du lịch. Một trong số những địa điểm check - in nổi tiếng ở Lô Lô Chải chính là quán cá phê Cực Bắc. Người gây dựng nên quán cà phê nổi tiếng này là ông Yasushi Ogura, người Nhật Bản. Ông đến Việt Nam từ lâu và "phải lòng" với cảnh sắc, con người Lô Lô Chải nên quyết định đầu tư, xây dựng mô hình quán cà phê Cực Bắc để gìn giữ và lan toả nhiều hơn những giá trị cột lõi trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đến đông đảo du khách. Quán là 1 ngôi nhà cổ trên 200 tuổi của vợ chồng anh Dỉu Dỉ Chiến và chị Lù Thị Vấn. Kiến trúc ngôi nhà đặc trưng với nhà trình tường, mái ngói âm dương, bao quanh nhà là hàng rào đá với những cây đào cổ thụ bung nở khoe sắc mỗi độ Xuân về. Chị Vấn quản lý quán cà phê đã được 7 năm, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, pha cà phê và nấu những món ăn ngon phục vụ du khách. Ban đầu, quán chỉ phục vụ khách uống cà phê, sau này khách có nhu cầu, quán có thêm homestay cho khách lưu trú. Mỗi năm, quán cà phê Cực Bắc giúp gia đình chị Vấn có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.
Thêm một người gắn bó với Lô Lô Chải là chị Phạm Thị Lan Anh, người đã bỏ phố lên núi làm du lịch. Lan Anh chia sẻ: "Trong một lần đi du lịch Hà Giang, tôi tình cờ đến Lô Lô Chải và yêu thích ngay cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian yên bình, không khí mát mẻ và con người thân thiện nơi đây. Trên đường về Hà Nội, tôi luôn nghĩ sẽ làm một điều gì đó để được ở lại Lô Lô Chải nhiều hơn và tôi quyết định thuê lại một ngôi nhà truyền thống của người Lô Lô để làm du lịch theo mô hình homestay".
Từ người bản địa, đến người ngoại quốc, ngoại tỉnh đến khách du lịch đều "phải lòng" Lô Lô Chải, muốn đưa Lô Lô Chải thành điểm du lịch độc đáo và hấp dẫn. Người Lô Lô trước đây chủ yếu là canh tác nông nghiệp, trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp, việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản đều hạn chế. Nhưng từ ngày khách du lịch về làng, người Lô Lô biến những nét văn hoá truyền thống của mình thành sản phẩm du lịch, đời sống người dân đã được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51,43%, năm 2020 giảm còn 8,77%; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 chiếm 20,07%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm. Từ đầu năm đến nay, thôn Lô Lô Chải thu hút gần 300 đoàn khách với gần 3.500 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú.
Những nếp nhà trình tường xưa cũ trở thành phòng nghỉ có giá trị hàng trăm đến cả triệu đồng mỗi đêm, những nương ngô, nương rau có sứ mệnh sản xuất thực phẩm tươi xanh phục vụ khách du lịch, mỗi người dân Lô Lô chất phát, thật thà, mến khách đều là một hướng dẫn viên thân thiện.
Làng đạt chuẩn Ocop 3 sao
Thật hiếm có làng văn hoá du lịch cộng đồng nào đạt chuẩn Ocop 3 sao cấp tỉnh, vậy mà Lô Lô Chải đang nắm giữ danh hiệu cao quý ấy với 12/12 tiêu chí đánh giá đều đạt. Nếu du khách đã quá quen thuộc với các sản phẩm nông nghiệp đạt sao Ocop thì việc trải nghiệm những giá trị Ocop tại một làng văn hóa là trải nghiệm rất khác biệt.
12 tiêu chí đánh giá làng văn hoá du lịch cộng đồng đạt chuẩn Ocop gồm: Làng hoàn thành tiêu chí sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; đạt chuẩn Nông thôn mới (năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh; nhà văn hóa cộng đồng có kiến trúc truyền thống, dùng để đón tiếp khách thăm quan và trưng bày sản phẩm văn hóa địa phương; có cổng làng, bảng biển thông tin hướng dẫn; biển hiệu hướng dẫn đối với khách tới nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê bằng 2 thứ tiếng (Việt - Anh); hệ thống biển bảng, sơ đồ chỉ dẫn các điểm du lịch; có Hội nghệ nhân dân gian, văn nghệ dân gian thường xuyên biểu diễn phục vụ khách; có nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc còn hoạt động; các cơ sở dịch vụ Homestay giữ được kiến trúc truyền thống đặc trưng của địa phương, vật liệu thân thiện với môi trường; "Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang" và Tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; tiết mục múa “Nhớ về cội nguồn” của người dân thôn Lô Lô Chải nhận Huy chương Vàng và “Trình diễn trang phục dân tộc Lô Lô" đạt giải B tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XII; có hướng dẫn viên du lịch tại điểm được đào tạo và cấp thẻ.
Chủ tịch UBND xã Lũng Cú Ma Doãn Khánh cho biết: "Sản phẩm Du lịch cộng đồng Lô Lô Chải được chứng nhận đạt 3 sao Ocop mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, xã đang tích cức triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao các tiêu chí, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Nơi cực Bắc Tổ quốc với cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người Lô Lô ở Lũng Cú đã kể câu chuyện văn hoá của dân tộc mình bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, dệt lên một "bức tranh" sinh động về cuộc sống. Rời xa những ồn ào của phố thị, về với Lô Lô Chải như được đắm chìm trong một miền cổ tích khác biệt.
Người ta thường nói rằng, bước đến ̂ ̂ ̉ như lạc vào thế giới cổ tích quả không sai. Ngôi làng đẹp như những ngôi làng trong các câu truyện cổ tích ngày xưa chúng ta được nghe. Nào hãy nhanh chân đến với làng Lô Lô chải để check in những bức ảnh sang chảnh với ánh nắng rực rỡ cùng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp bạn nhé.