Tại huyện Nghĩa Đàn, qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, một số diện tích lúa xuân ở các địa phương như Nghĩa Hội, Nghĩa Trung, Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh,… đang bị bệnh đạo ôn gây hại với tỷ lệ phổ biến 1%, cao 10% (cấp 1- 3), cục bộ 20 - 25 % (cấp 3- 5) số lá.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, cơ quan chức năng đã khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân tăng cường rà soát toàn bộ diện tích lúa, xác định vùng có nguy cơ cao để khoanh vùng phun phòng. Đối với diện tích ruộng bị nhiễm nặng cần ngắt bớt lá bệnh, thu gom tiêu hủy và tiến hành phun kép 2 lần cách nhau từ 5 - 7 ngày; Tạm ngừng bón phân đạm, không sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, duy trì mực nước ở mức phù hợp.
Đặc điểm của bệnh đạo ôn là gây hại suốt cả quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Triệu chứng ban đầu là chấm nhỏ hình mũi kim màu nâu, sau đó vết bệnh lớn dần có dạng hình thoi, hai đầu nhọn; ở giữa có màu xám, xung quanh màu nâu, ngoài cùng viền vàng. Bệnh càng phát triển, nhiều vết bệnh liên kết lại gây cháy lá. Trên thân đốt của lúa lúc đầu xuất hiện màu nâu, ngày càng lan ra bao quanh thân lúa, làm cho vị trí bị bệnh eo thắt lại và có màu nâu đen, bệnh nặng làm cho thân đốt bị gãy, nếu điều kiện ẩm ướt, trên đó xuất hiện màu xám. Vết bệnh cũng có thể xuất hiện ở hạt lúa có hình bầu dục màu nâu đen, nếu bị nặng sẽ ăn sâu vào bên trong hạt.
Hiện nay, cùng với bệnh đạo ôn, bệnh rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ cũng xuất hiện với mật độ thấp, rải rác tại một số thửa ruộng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn. Nông dân cần tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trước mắt, tích cực thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, thường xuyên thăm nắm ruộng đồng, theo dõi tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ đúng cách.