Nghĩ vụn về FACEBOOK

LTS: Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu nguyên là chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, về hưu ông vẫn hăng hái tham gia hoạt động xã hội, vẫn không xa lạ với công nghệ. DNKTX trân trọng giới thiệu bài viết của anh về FB.
nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu1-1641342514.jpg
Tướng Nguyễn Mạnh Đẩu và cựu TBT Lê Khả Phiêu (năm 1999) Ảnh tư liệu

Facebook là mạng thông tin xã hội toàn cầu. Theo thông kê gần nhất, toàn thế giới có 5 tỉ người dùng điện thoại di động, 4 tỉ người dùng mạng xã hội, trong đó có 3,3 tỷ người tham gia Fb.

Ấn Độ là quốc gia có số người tham gia Fb cao nhất. Việt Nam có số người tham gia Fb là 58 triệu, đứng thứ 7 thế giới. Fb là sân chơi chung, là nơi sẻ chia suy nghĩ, giãi bày cảm xúc; giao lưu, kết nối tình cảm người thân, bạn bè; trao đổi những kinh nghiệm hay và những điều bổ ích trong cuộc sống của mọi người.

Có rất nhiều cụ già tham gia Fb. Theo tôi biết, ít nhất là 3 cụ U 100: cụ Nguyễn Quốc Thước 97 tuổi, cụ Đỗ Hạp 97 tuổi và cụ Nguyễn Đình Chú 94 tuổi vẫn tham gia Fb đều đặn.

Với lớp người như tôi, tham gia viết và đọc Fb còn thêm một tác dụng nữa là làm chậm tốc độ lão hóa trong tư duy của người cao tuổi. Qua trang mạng này, có nhiều thông tin hay, kịp thời - kể cả những thông tin mà trên truyền thông đại chúng chính thống không đề cập tới.

Tôi sực nhớ đến bài viết rất hay của Thượng tướng Lưu Á Châu một ông tướng rất trí thức của Trung Quốc trong đó có câu đại ý là: Chỗ không tin nhất lại là trên mặt báo. Cái đáng đưa tin thì không đưa tin. Cái đưa tin thì ai cũng đã biết rồi! Thực ra không phải tất cả như thế, nhưng hoài nghi của ông không thể nói không có cơ sở.

Đã là xã hội thì bao gồm nhiều mẫu người. Thời nào cũng vậy, đa văn hóa là thuộc tính của xã hội. Ở đời, mỗi người là một thế giới (tiểu vũ trụ) với từng nhu cầu, từng tính cách, từng sở thích riêng biệt. Không ai giống ai. Muôn người muôn nẻo nghĩ. Cùng quan niệm âu là điều không thể. Do đó, thông tin trên Fb là đa dạng, đa chiều, nhiều thể loại.

Nó như một mâm cỗ mà trên đó có các món sơn hào, hải vị…; Đồng thời, không thể thiếu rau dưa, tương cà, mắm muối…Thực khách (người đọc) muốn "gắp" món nào là tùy theo nhu cầu sở thích. Không thể chỉ vì thích đặc sản mà đề nghị bỏ món bình dân. Ngược lại, không vì rau dưa, tương cà,... mà gạt bỏ đặc sản! Còn dài ngắn cũng tùy nốt. Ai xài mì ăn liền, ai nhâm nhi món hầm nhừ cũng được. Chả ai ép được ai. Không ai cấm anh vào nhà hàng. Có điều, vào không phải để gây mất trật tự công cộng. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân trước cộng đồng.

Fb là sân chơi chung, ngôi nhà chung, cái chợ chung, vậy thì không nên đưa lên cái chợ đó những mặt hàng có tác hại đến cộng đồng, xâm phạm đến lợi ích của người khác. Trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, mọi người chỉ được làm những việc pháp luật cho phép. Còn trong nền kinh tế thị trường, mọi người đều được làm những việc mà pháp luật không cấm. Cái khác nhau căn bản là ở chỗ đó. Điều này chi phối chúng ta khi tham gia mạng xã hội rộng lớn này.

Tương tự, tôi nghĩ rằng, trên trang Fb cũng nên như vậy. Còn lại, ai muốn viết cái gì, viết thế nào là tùy. Viết được hay, ngắn gọn, súc tích thì càng quí. Ai muốn đọc cái gì là nhu cầu và là sở thích riêng. Giữa xa lộ thông tin bao la, bạt ngàn, mênh mông, giữa một rừng tri thức vô biên mọi người có quyền lựa chọn cái cần cho mình! Tóm lại, FB là tờ báo của mỗi cá nhân, anh vừa là phóng viên, Biên tập viên vừa là Tổng biên tập nghĩa là anh chịu trách nhiệm trước chính anh và khi đã bấm OK xuất bản, anh còn chịu trách nhiệm với xã hội! Điều hiển nhiên là từng chữ, từng câu nó phản ánh suy nghĩ của anh, văn hóa của anh, nhãn quan và tầm nhìn của anh.

Có thể những điều nghĩ vụn trên đây của tôi là chưa đủ, còn thiển cận, thậm chí có cái chưa đúng. Nếu có gì sơ suất, thiếu sót, mong bà con cư dân mạng Fb xa gần lượng thứ! Điều này có lẽ cũng rất cần được bàn luận, mổ xẻ./.