Từ nhỏ, nghệ nhân Võ Văn Bá đã đam mê học hỏi và nghiên cứu âm nhạc truyền thống. Ông được cha truyền dạy đờn ca tài tử và trau dồi kiến thức âm nhạc từ lớp đàn anh đi trước trong Đoàn Văn công Giải phóng nên đã thành thục diễn tấu được bài bản nhạc lễ qua nhiều loại nhạc cụ khác nhau.
Năm 1960, khi mới 18 tuổi, ông tiếp xúc với nghệ nhân chế tác đàn cò bằng chất liệu tre, rồi được lên Sài Gòn học Trường Công nghệ điện tử và Vô tuyến. Từ đó, đã thôi thúc ông ấp ủ ý tưởng sáng tạo trong việc sử dụng nguyên liệu dừa để chế tác các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, tài tử, cổ nhạc… nhưng sau cùng vẫn chưa thực hiện được.
Nghệ nhân Võ Văn Bá kể lại: “Ở Bến Tre, gỗ dừa làm được nhiều thứ, nhưng chưa ai làm nhạc cụ. Từ đó, tôi nghiên cứu làm đàn từ cây dừa như là cách mình “nhớ ơn” loại cây này. Năm 2011, tôi cùng họa sĩ Lê Dân (đưa ra ý tưởng) bắt đầu chế tác bộ nhạc cụ bằng dừa. Bộ nhạc cụ này được mang đi trình diễn tại Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2012; Festival đờn ca tài tử Nam Bộ ở Bạc Liêu năm 2014 và lễ hội ở Bình Dương năm 2017…”.
Để có những nhạc cụ như đàn cò, đàn gáo, đàn kìm, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu..., họa sĩ Lê Dân cùng nghệ nhân Võ Văn Bá đã chọn gỗ dừa có tuổi thọ từ 30 - 50 năm, thậm chí có cây lên 80 năm. Nhạc cụ đầu tiên được hai ông chế tạo thành công lúc bấy giờ là đàn nhị (đàn cò) và đàn gáo tiếp đó là đàn kìm. Tuy nhiên, vì gỗ dừa cứng, khó có thể uốn cong nên gặp nhiều khó khăn vì thế đòi hỏi người chế tác phải tỉ mỉ. Sau quá trình mày mò chỉnh sửa, cây đàn kìm tạo được âm thanh to hơn và tiếng ngân vang hơn không thua gì so với các cây đàn làm bằng loại gỗ khác.
Đến nay, nghệ nhân Võ Văn Bá đã chế tạo hàng trăm nhạc cụ từ gỗ dừa. Trong đó, có nhiều loại nhạc cụ độc, lạ đạt kỷ lục Guinness Việt Nam như: cây đàn cò đại bằng chất liệu gỗ dừa trên 80 năm với mặt đàn 0,63 mét, chiều dài 1,03 mét, chiều cao 2,65 mét; cây đàn kìm có kích thước mặt đàn 1,1 mét; chiều cao 2,96 mét; bề dày 0,25 mét.
Nghệ nhân Văn Bá kể: “Khoảng năm 2012, khi đi tìm cây dừa để chế tác nhạc cụ tại địa phương, tôi vô tình thấy trong vườn của một hộ dân sót lại thân dừa già thích hợp làm đàn cò. Tôi hỏi mua nhưng người này vui vẻ tặng để tôi làm nhạc cụ. Vì thân dừa già và nặng không thể khiêng về nhà để gia công, tôi sử dụng lá chuối để che tạm tại gốc dừa rồi tiến hành đục đẽo thân dừa từ từ”. Thời gian làm đàn cò này diễn ra trong 2 tháng nên ông sống và sinh hoạt dưới mái che tạm và kiên trì thực hiện công việc của mình. Khi thân dừa nhẹ hơn do được móc hết phần ruột, ông nhờ những thanh niên cùng xóm khiêng về nhà. Ông tiếp tục đục đẽo, bào cho thân dừa mỏng ra, từng bước hoàn tất cây đàn cò lớn “có một không hai” ở Việt Nam. Hiện tại, trong 3 loại nhạc cụ có kích thước lớn thì cây đàn cò được ông yêu thích nhất vì loại nhạc cụ này thường mang đi biểu diễn tại các lễ hội lớn khắp cả nước. Các loại nhạc cụ khác có kích thước vừa ông thường sử dụng trong các buổi giao lưu đờn ca tài tử.
Mới đây, ông đã dày công trong 45 ngày chế tạo cây đàn bầu hình bản đồ Việt Nam mang ý nghĩa sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, trên đàn còn thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với hình chữ S chạy dài từ tỉnh Hà Giang đến mũi Cà Mau. Cây đàn bầu hình chữ S hoàn tất còn mang ý nghĩa khẳng định nguồn gốc đàn bầu là của Việt Nam.
Từ đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, sự kiên trì nghiên cứu cùng tình yêu quê hương sâu sắc ông Bá đã thể hiện niềm đam mê của mình để tạo nên bộ nhạc cụ dừa “độc nhất vô nhị”. Vừa qua, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo với gần 200 hình ảnh, hiện vật, tư liệu về ông được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Bến Tre. Nghệ nhân dân gian Võ Văn Bá đã “thổi hồn” vào cây dừa để tạo nên những nhạc cụ âm nhạc mang đậm tính truyền thống Việt Nam, giúp lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến cộng đồng nghệ thuật và công chúng đam mê nghệ thuật. Hàng trăm nhạc cụ bằng gỗ dừa do ông tạo tác mang đậm nét chấm phá, riêng biệt nhưng âm vang âm nhạc truyền thống dân tộc. Những nhạc cụ này không chỉ mang giá trị về vật chất, tinh thần và còn là một sản phẩm du lịch vô cùng độc đáo giới thiệu đến du khách gần xa.
Điều đặc biệt, dù bỏ ra rất nhiều công sức để chế tạo ra những bộ nhạc cụ dừa nhưng ông vui vẻ biếu tặng bạn bè để lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc, tình yêu quê hương “xứ Dừa”. Ở tuổi ngoài 80, nghệ nhân Võ Văn Bá rất hân hoan khi đã có khách du lịch ở 11 nước như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... đến tìm hiểu về nhạc cụ dừa. Điển hình, có 2 ca sĩ Thụy Sĩ đến xin ông đệm đàn bằng bộ nhạc cụ dừa cho họ hát. Với tình yêu âm nhạc, ông luôn sẵn sàng dạy đàn miễn phí và dạy chế tác các loại nhạc cụ bằng dừa để thế hệ trẻ tiếp nối giữ gìn, bảo tồn âm nhạc truyền thống dân tộc…