Nhạc sĩ Xuân Oanh và bài hát “19 tháng 8”

Trong giới sáng tác âm nhạc, có những người luôn chỉ nhận mình sáng tác nghiệp dư, song, lại có những tác phẩm để đời, sống mãi với thời gian. Xuân Oanh là người như vậy. Nói đến Xuân Oanh là phải nói đến sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông mà tiêu biểu nhất, làm nên tên tuổi ông, có giá trị để đời, đó chính là bài hát nổi tiếng 19 tháng 8. Chỉ với bài hát này đã đủ xếp ông vào hàng những nhạc sĩ cách mạng lớn của Việt Nam.

Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh năm 1922, trong một gia đình thợ mỏ nghèo vùng Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay), trưởng thành đúng lúc phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa đang phát triển rất mạnh. Năm 1944, ông chuyển lên Hà Nội sinh sống. Được nhà văn Nguyễn Đình Thi hướng dẫn làm công tác tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh. Công việc cụ thể là đi phát hành báo Hồn nước, Cờ giải phóng. Ông kể: “Tuổi trẻ chúng tôi khi ấy rất sôi nổi và hồn nhiên. Được tham gia cách mạng là cảm thấy sung sướng và vinh hạnh lắm. Ngoài thời gian làm công việc trên, tôi phải lo kiếm sống bằng đủ nghề: Dạy học tư, tập vẽ mẫu quần áo, vẽ biển quảng cáo, kẻ chữ, có khi còn sửa chữa giày dép. Bài hát 19 tháng 8 là sự việc hết sức thú vị đến với tôi”".

Lúc sinh thời, có lần ông đã kể về sự ra đời rất độc đáo của bài hát 19 tháng 8. Những ngày tháng ấy, không một người Việt Nam nào có thể ngồi yên trước không khí sục sôi cách mạng ở khắp mọi nơi, nhất là ở Hà Nội và các thành phố lớn. Đang ngồi trong nhà, thấy mọi người đi thành từng đoàn, thế là ông bước xuống đường, hòa theo. Sáng ngày 19/8/1945, từ khắp các cửa ô ở Hà Nội, những đoàn người rầm rập mang theo cờ, biểu ngữ tiến về phía Nhà hát lớn. Ông nhập vào đoàn người đi từ Văn Điển lên trung tâm thành phố. “Không thể nào diễn tả được tâm trạng, tình cảm của tôi khi ấy. Đó là giờ phút được cùng bà con sắp tạo nên một chấn động lớn lao cho lịch sử”, nhạc sĩ Xuân Oanh từng chia sẻ.

nhac-si-xuan-oanh-1662521278.jpg
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010

Vốn yêu âm nhạc và thích ca hát, ông bèn nghĩ tới việc sáng tác một bài ca để đánh dấu sự việc trọng đại này. “Vì đúng ngày 19 tháng 8 nên tôi nghĩ ngay: Đây rồi, cần chi phải nghĩ tên bài hát làm gì nữa, lấy luôn tên 19 tháng 8 là tiện nhất. Thế là tôi sáng tác ngay trên đường. Vừa đi vừa sáng tác. Được câu nào, hướng dẫn luôn cho những người đi xunh quanh cùng hát. Xong câu trước lại tiếp câu sau đến hết bài. Dạy truyền khẩu từng câu như thế, nếu họ hát khó khăn chỗ nào là tôi thay đổi lại để ai cũng có thế dễ dàng hát được mới thôi…”.

Mọi người hát tiếp thu rất dễ dàng và ông cũng đề nghị họ góp ý để hoàn thiện lời ca nhưng, ai cũng nói là đã ổn lắm rồi, không cần phải sửa gì. Thế rồi, bài hát 19 tháng 8 của ông lan truyền rất nhanh. Tác giả vô cùng sung sướng, đã rất nhiều lần không cầm được nước mắt khi nghe đồng bào khắp nơi hát bài hát của mình trong những ngày sôi động nhất của lịch sử dân tộc. Ông không ngờ hĩ rằng, một chàng thanh niên chưa có kiến thức âm nhạc gì ngoài sự ham thích và chỉ biết võ vẽ chút ký âm, biết các nốt đồ, rê, mi…, sáng tác rất “bản năng” (từ Xuân Oanh dùng), lại có thể viết được bài hát khiến hiều người thích thú đến thế. Rồi bài hát cứ thế lan truyền khắp cả nước. Những năm sau đó, cứ đến dịp kỷ niệm cách mạng tháng 8, bài hát 19 tháng 8 lại được vang lên ở khắp nơi và cho đến sau ngàykhi hòa bình lập lại (1954), bài hát được Đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam mới tiến hành thu thanh và phát sóng.

bai-hat-1662521401.jpg
Ca khúc “19 tháng 8” của cố nhạc sĩ Xuân Oanh trong một chương trình nghệ thuật

Vậy là, 19 tháng 8 đã ra đời ngay trong lòng cách mạng, trong lòng quần chúng nhân dân. Lời lẽ của bài không một chút cầu kỳ, tô vẽ mà mộc mạc, giản dị như cảm xúc, ý nghĩ của hàng triệu người Việt Nam khi ấy: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Nguyện đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. 19 tháng 8 khi khối dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung…”. Phải chăng, chính vì yếu tố này mà ca khúc đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của mọi người?

Có thể thấy rõ bài hát đạt được mấy “kỷ lục” của một bài hát: Được viết trong thời gian nhanh nhất và ra đời độc đáo nhất (trên đường đi, không có giấy bút, chỉ sáng tác lẩm nhẩm trong miệng, trong khoảng 3 giờ đồng hồ. Sáng tác xong, không sửa lại gì). Lan truyền sớm, nhanh nhất (chỉ vài ngày sau khi ra đời đã truyền đi rất nhanh, rất rộng). Đến nay, số lượng người biết đến bài hát này có lẽ chỉ xếp sau 2 bài hát khác: Bài Chào cờ và bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Một bài hát lớn như vậy mà tác giả chưa từng nhận được một khoản tiền nào gọi là nhuận bút , bản quyền ở đâu (mặc dù đã đượcđã in trong hàng trăm tập sách, hàng nghìn tờ báo, phát trên các làn sóng điện tới cả triệu lần trong suốt gần bảy chục năm qua, xuất hiện trên mọi sân khấu hoành tráng trong những dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 hàng năm…). Và cuối cùng là, bài hát có cái tên độc đáo nhất: Lấy luôn ngày sáng tác, (đồng thời cũng là ngày diễn ra sự kiện trọng đại của dân tộc,) làm tên tác phẩm.

Còn nhớ nhạc sĩ Xuân Oanh luôn nói với các nhà báo mỗi lần đến thăm, phỏng vấn ông : “Xin các bạn nhớ tôi là cán bộ ngoại giao, chứ không phải nhạc sỹ. Còn với bài hát 19 tháng 8 thì tôi chỉ là một thư ký ghi lại cảm xúc củùa cả dân tộc, nhưng ghi bằng âm thanh”.

Ông đã từ giã cõi đời, đi vào chốn vĩnh hằng vào hồi 4h ngày 27/3/2010, hưởng thọ 88 tuổi. Nhạc sĩ Xuân Oanh đã vĩnh biệt cuộc đời 12 năm, nhưng bài hát 19 tháng 8 của ông sống mãi trong tim mọi thế hệ người Việt Nam.

Nguyễn Đình San