Thử thách trên đường tác nghiệp
Vượt qua những con dốc núi, quanh co và lầy lội luôn là chuyện thường nhật đối với những người làm báo ở vùng cao. Nhưng khó khăn không khiến họ chùn bước…
Gặp Phóng viên Trần Đức Vinh (Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh) - phụ trách địa bàn 5 tỉnh miền núi những ngày đầu tháng 6/2022, được anh chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong công việc. Anh Vinh cho biết: “Địa bàn tác nghiệp rộng, có những nơi khoảng cách từ trung tâm thành phố đến xã xa nhất cũng lên đến hơn 200 km chúng tôi mất rất nhiều thời gian di chuyển mới đến được nơi tác nghiệp. Tôi nhớ, những lần đi làm tin mưa, lũ ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái)… sau mưa lớn đường miền núi hay xảy ra sạt lở, đất đá đổ xuống nhão nhoẹt, lầy lội. Lúc đó, anh em chúng tôi người đẩy xe, người vác máy vượt qua đoạn đường lầy lội. Ai cũng lấm lem như nông dân vừa đi cày. Để kịp làm tin, bài, chúng tôi mặc kệ người lem luốc mà tiếp tục lên đường”.
Theo anh Vinh, với đặc thù nghề báo hiện nay yêu cầu thông tin đa dạng và sinh động nên những người làm báo hiện nay phải thông thạo các kỹ năng: Chụp ảnh, quay phim, dựng hình, viết tin bài… Mỗi lần đi tác nghiệp Phóng viên mang theo hàng chục kg với đủ loại máy móc: Máy ảnh, máy quay… Ở miền núi, chuyện phải vác máy đi bộ vài km đường dốc, núi để đến nơi tác nghiệp cũng không phải là chuyện hiếm. Để có tin, bài hay có những khi Phóng viên miền núi phải đi xa nhà chục ngày đến cả tháng.
Không đơn thuần là vất vả, mệt nhọc, người làm báo ở các tỉnh miền núi còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Đó là nguy cơ bị rắn cắn, ngã xe... Mặc dù, đã gần 5 năm trôi qua nhưng có lẽ những người trong “làng báo” nói riêng và công chúng nói chung vẫn nhớ tới sự ra đi mãi mãi của một nhà báo trẻ trong quá trình tác nghiệp về mưa lũ.
Thuận lợi và thách thức
Đi tác nghiệp ở miền núi, khó khăn, vất vả không chỉ bởi giao thông hiểm trở mà còn là sự thiếu thốn đủ bề. Ở vùng cao, nhiều nơi vẫn chưa có sóng điện thoại, chưa có mạng internet nên việc truyền tin, bài về cơ quan gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều nơi chưa có quán cơm, Phóng viên phải chuẩn bị đồ ăn hoặc phải nhờ người địa phương nấu cơm.
Anh Vinh hồi tưởng: “Chuyến công tác cuối năm 2021, tại xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) để lại cho tôi nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Là xã vùng cao biên giới, nhiều thôn chưa có sóng điện thoại, chưa có mạng internet. Khi đó, tôi lên làm chương trình trao quà Tết cho đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh. Đi theo đoàn nên mọi phần hậu kỳ, viết tin, chỉnh sửa ảnh, video phải thực hiện trên ô tô để kịp có tin và ảnh gửi về cho sớm nhất. Hoàn thiện xong được tin bài thì anh em Phóng viên ai lấy đều say xe”.
“Công việc khó khăn, vất vả đôi khi có cả nguy hiểm. Trong đó, những phóng sự điều tra luôn là đề tài khó cho chính mình và mọi người. Từ những thông tin ít ỏi, những vụ việc tưởng chừng giản đơn nhưng ẩn sau rất nhiều góc khuất. Đôi khi chỉ một tin nhắn, một phản ánh của nhân dân cần các cơ quan báo chí sớm đưa thông tin ra ánh sáng, các ban ngành chức năng vào cuộc xử lý. Mỗi khi thấy được vấn đề mình nêu ra được các ban ngành vào cuộc nhanh chóng có câu trả lời tới nhân dân chính mình cảm thấy rất vui”, anh Vinh bộc bạch.
Anh kể tiếp, đầu năm 2022, anh nhận được thông tin phản ánh sai phạm liên quan đến các công trình xây dựng xuống cấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Phú Thọ. “Tôi băn khoăn trăn trở làm thế nào để thu thập được thông tin, hình ảnh, tài liệu để chứng minh những nội dung tố cáo trên. Quả thực rất khó và mất nhiều thời gian. Điều khó nhất là chứng minh được việc công trình xuống cấp, phỏng vấn ai để có được các thông tin mình cần?. Thu thập tài liệu, lấy ít kiến lãnh đạo các cơ quan, ban ngành như thế nào?... một loạt các câu hỏi đặt ra trong đầu để chuẩn bị trong khi tác nghiệp được suôn sẻ thuận lợi nhất. Vì đây là nội dung nhạy cảm, khi viết phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng, chính xác nhất để thể hiện được vấn đề cần phản ánh”.
Quan điểm về Công nghệ 4.0 trong làm báo
Theo anh Vinh, Công nghệ 4.0 giúp việc làm báo trở nên dễ dàng và chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, dù là vùng biên cương hay vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh tôi có thể chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn, viết bài và truyền dữ liệu về tòa soạn khi có kết nối internet. Để không bị tụt hậu trong thời đại công nghệ số, các cơ quan báo chí cũng đang có những thay đổi cho phù hợp để có thể mang lại hiệu quả hơn.
Anh Vinh cũng cho biết thêm, dù là công nghệ 4.0 thì con người vẫn là yếu tố cốt lõi trong việc sử dụng, ứng dụng công nghệ sao cho thực tế công việc hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi Phóng viên phải trang bị các thiết bị hiện đại để phục vụ công việc; không ngừng học hỏi để sử dụng thành thạo máy móc, trang thiết bị như máy quay, máy ảnh, fly cam, gimbal… “Ngày nay, nhà báo không đơn thuần chỉ viết bài, chụp ảnh, quay phim mà còn phải am hiểu công nghệ, tìm cách ứng dụng công nghệ đưa thông tin đến công chúng một cách nhanh nhất. Bởi, Phóng viên, nhà báo không theo kịp được công nghệ sẽ rất dễ bị đào thải. Cơ quan báo chí không theo kịp được công nghệ sẽ dễ bị tụt hậu”, anh nói.
“Với sự bùng nổ của mạng xã hội, internet đã giúp cho người làm báo dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, phát hiện được nhiều đề tài một cách nhanh chóng và ngược lại, việc truyền tải thông tin từ các cơ quan báo chí đến công chúng dễ dàng hơn. Qua tương tác trên mạng xã hội, khoảng cách giữa người làm báo và công chúng đã được rút ngắn. Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ này chính là vấn nạn tin giả, thực tế đã chứng minh rằng, một số trường hợp tin giả còn lan nhanh và tác động mạnh hơn rất nhiều so với thông tin chính thống. Vì vậy, thời đại công nghệ số ngày nay, Phóng viên, Biên tập viên phải có kỹ năng sàng lọc, kiểm chứng thông tin đưa đến công chúng những thông tin chính xác, trung thực nhất… Qua đó, phát huy tối đa sức mạnh thông tin của báo chí” anh Vinh nhấn mạnh.
“Nghề báo” là một nghề đặc biệt, vất vả và gian nan, trách nhiệm và thách thức luôn song hành. Thật khó để tả hết bằng lời về những người làm báo nói chung và những người làm báo ở vùng cao nói riêng. Tựu chung ở họ luôn chứng đựng những tâm huyết. Ngày ngày, những Phóng viên không quản đường xa, băng rừng, lội suối, vượt mưa bão để đưa thông tin kịp thời tới bạn đọc. Trong khó khăn, vất vả họ vẫn tìm thấy niềm vui, ý nghĩa lao động từ những chuyến đi. Từ đó, họ có thêm tình yêu nghề, thêm động lực để tiếp tục hành trình "phu chữ"...