Theo kế hoạch, trong vụ Đông năm 2023 sắp tới, toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu gieo trồng trên 35.000 ha cây trồng các loại. Năm nay, tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương sẽ bố trí thời vụ thích hợp nhằm đảm bảo kế hoạch lúa Xuân năm sau và có thể kết thúc gieo trồng vụ Đông trước 30/9/2023. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng nhận định, sản xuất vụ Đông năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nguy cơ cao gây thiệt hại đến sản xuất các loại cây trồng.
Về công tác phòng chống dịch bệnh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh một số ổ dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, dại chó, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, vi bào tử trùng trên tôm nuôi tại các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống mưa lũ, đói rét, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng; Đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi vụ Thu năm 2023 đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn để tạo miễn dịch quần thể.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nói: "Năm nay, sản xuất vụ đông có yếu tố thuận lợi khi một số diện tích vụ hè thu - mùa không sản xuất được do thiếu nước nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất vụ Đông sớm hơn, nhất là việc mở rộng diện tích cây vụ Đông trên những diện tích này. Tuy nhiên, cần có các giải pháp chủ động để đối phó với những khó khăn rất đặc trưng về thời tiết. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo phấn đấu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng với phương châm sản xuất an toàn và đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và ổn định sản xuất; Có phương án chủ động ứng phó khi xảy ra mưa lớn, lũ gây ngập úng đối với cây trồng vụ Đông, trong đó cần quan tâm cây rau, lạc và một số vùng ngô trên đất 2 lúa trong mùa mưa bão; Tập trung phòng chống dịch bệnh chăn nuôi kịp thời, không để dịch lan rộng, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân.".