Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nên khi nắm bắt được tình hình trên địa bàn sẽ có đợt mưa lớn đổ bộ thì bà con nông dân tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tranh thủ ra đồng gặt lúa xuân, mặc dù còn hơn 20% lúa vẫn chưa chín.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Quân (trú tại xã Hưng Chính, Hưng Nguyên) nói: “Khi nghe dự báo thời tiết và nắm bắt được tình hình cuối tuần sẽ có đợt mưa lớn thì chúng tôi liền gọi máy gặt về để thu hoạch lúa xuân sớm và kịp thời, chúng tôi xác định thà “xanh nhà hơn già đồng” để tránh lúa bổ, ngập lụt trong nước.”
Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự chuẩn bị nhưng bà con nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa kéo dài 2 ngày qua 14- 15/5. Hiện nay, bà con nông dân đang gấp rút cứu lúa, những diện tích nào bị ngập lụt và lúa ngã thì nhanh chóng thu hoạch để lúa không ngâm trong nước lâu và bị mọc mầm.
Chia sẻ với phóng viên, bà Hoa trú tại Thanh Lâm (Thanh Chương) nói: “Nước rút chậm, dự báo thời tiết vẫn có tiếp tục mưa nên việc thu hoạch của bà con khá khó khăn. Thời điểm này cũng là vào mùa gặt nên rất khan hiếm máy gặt, gia đình tôi gọi máy gặt hai hôm rồi hôm nay mới có. Thực sự rất nóng ruột vì thời tiết năm nay khá thất thường nên chúng tôi trở tay không kịp”.
Ông Hoàng Đình Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hà (Thanh Chương) cho biết: “Toàn xã có gần 10 ha lúa bị ngập sâu do mưa lớn. Địa hình thấp trũng nên việc thoát nước hết sức khó khăn, thêm vào đó, kênh tiêu dẫn nước từ ruộng ra sông bị bồi lắng, bị tre, mét cản dòng nên nước rút chậm. Hiện, người dân cũng chỉ còn cách chờ nắng lên, nước rút rồi thu hoạch. Tuy nhiên, do năm nay, lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông nên dễ gãy rụng; một số giống lúa “mủi”, mưa xuống đã bị rụng hạt đến 20-30% nên năng suất giảm là điều chắc chắn”.
Tại xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) hơn 20 ha dưa hấu của người dân quả đang non đã bị dập, hư hỏng. Người dân đang ra đồng nạo vét luống, rãnh thoát nước; bắt ngọn và quả lên luống để tránh thối úng. “Thời điểm này dưa đang non, mưa lớn khiến quả bị dập nát, hư hỏng nhiều. Nhìn 5ha dưa của gia đình ngâm trong nước mà ruột gan nóng như lửa đốt. Với tình hình này thì mùa dưa này coi như mất trắng, vài hôm nữa nắng lên rễ dưa sẽ bị héo, úng bởi ngâm trong nước lâu và chết hết", bà Nga - một hộ trồng dưa cho biết.
Trên nhiều địa phương khác tại Nghệ An nhiều diện tích ngô bị đổ rạp, hàng chục hộ nông dân đã ra đồng vun trồng lại những luống ngô bị đổ, nhiều diện tích bị gãy thì cắt bỏ cho gia súc gia cầm.
Theo báo cáo nhanh của UBND các huyện Thanh Chương, Quế Phong, Nghi Lộc, Tương Dương, tình hình thiệt hại ban đầu do giông, lốc, mưa lớn gây ra như sau:
Về người: Bị thương 1 người (Cháu: Lương Lê Nhật Minh, sinh năm 2012, con ông Lương Văn Chung, tại bản Cào, xã Quang Phong, huyện Quế Phong bị tường rào đổ và đè lên người, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh).
Về nhà ở: 1 nhà bị sụt lún ở huyện Tương Dương.
Về nông, lâm nghiệp: Có 128 ha bị ảnh hưởng; trong đó:
- Diện tích lúa bị thiệt hại: 118,58 ha (Thanh Chương: 51,5 ha; Nghi Lộc: 12 ha; Đô Lương: 54,8 ha; Tương Dương: 0,28 ha);
- Diện tích hoa màu bị thiệt hại: 10,03 ha (Thanh Chương: 6 ha hoa màu; Nghi Lộc: 10 ha dưa hấu, dưa lê; Đô Lương: 3,0 ha hoa màu; Tương Dương: 0,03 ha hoa màu).
Về chăn nuôi: Gia súc bị chết: 3 con (Thanh Chương: 2 con trâu; Tương Dương: 1 con bò);
Về thủy sản: Ao cá bị hư hỏng, cuốn trôi: 0,3 ha (khoảng 73 kg cá bị cuốn trôi ở huyện Tương Dương).
Về công trình giao thông:
- Bị sạt lở hoàn toàn 25m đường bê tông giao thông nông thôn ở xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương;
- Tuyến đường Huồi Xá - Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương bị sạt lở chiều dài khoảng 100m, khoảng 150 m3 đất, đá.
Về các công trình, thiết bị khác:
- Tường rào bị đổ sập: 25m (huyện Quế Phong);
- Công trình nước sinh hoạt: 1 công trình bị hư hỏng, gãy khoảng 60m đường ống D90 tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương.
Ứng phó với tình hình mưa lũ, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có công văn đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện một số biện pháp gồm: Huy động các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bước đầu ổn định đời sống cho nhân dân, nhất là hộ gia đình có người bị thương, thiệt hại về nhà ở; Tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại, tổng hợp và đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ theo chế độ hiện hành.