Tại tỉnh Nghệ An, sau nhiều chương trình, phong trào trồng rừng Thông từ những năm trước đây như: chương trình trồng rừng Thông 1780, 4304 vào những năm 80 trở về trước trên địa bàn các huyện, thị xã: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, ngoại trừ có một số diện tích được trồng từ thời pháp thuộc tại thị xã Hoàng Mai (Phần lớn hiện nay đã bị khai thác), hiện nay toàn Tỉnh hiện đang có gần 22.000ha rừng, nằm phân bố trong cả 3 loại rừng: Phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Riêng đối với khu vực biên giới biển, hải đảo, dọc các quốc lộ, tỉnh lộ và các điểm nhấn cảnh quan đô thị có hàng ngàn ha rừng Thông đang được bảo vệ tốt.
Tuy nhiên, do trong quá trình khai thác nhựa thông của các chủ rừng một cách quá mức, không theo đúng quy trình khiến cho không ít diện tích rừng Thông cây hiện đang bị kiệt quệ, giảm tuổi thọ; nhiều cánh rừng Thông đứng trước nguy cơ bị cháy, bị tàn phá, chết yểu; nhiều diện tích rừng Thông đang bị các cây trồng khác có giá trị kinh tế trước mắt cao hơn đe dọa về diện tích thay thế. Trước đây khi giá nhựa Thông tăng cao, nhiều diện tích rừng thông còn xảy ra hiện tượng khai thác nhựa trộm, tranh chấp, lấn chiếm rừng nhằm khai thác nhựa, dẫn đến mất an ninh trật tự…
Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-SNN-KHKT về việc phê duyệt đề cương kỹ thuật điều tra, đánh giá công tác quản lý bảo vệ và khai thác sử dụng; đề xuất giải pháp quản lý và bảo vệ rừng Thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đây là một hành động được cụ thể hóa từ các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhằm đánh giá hiện trạng quản lý, bảo vệ, sử dụng cây Thông trên địa bàn tỉnh; để từ đó đưa ra những giải pháp bảo vệ, phục hồi diện tích Thông.
Đặc biệt, trong thời kỳ hiện nay thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan nắng nóng kéo dài, hiện tượng đốt thực bì vùng lân cận gây cháy lan đến diện tích rừng Thông, nhiều kẻ cố tình phá hoại, hủy hoại nhiều diện tích Thông trong thời gian qua.
Đây có thể nói là hành động mang tính cấp bách, hướng tới các chủ rừng, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ rừng Thông cho người dân, các hộ nhận khoán, cũng như các chủ rừng là các tổ chức, để người dân hiểu được ý nghĩa của việc nâng cao quản lý và bảo vệ rừng trồng Thông hiện có nhằm phát huy tính năng phòng hộ của rừng.
“Rừng Thông có vai trò rất lớn trong việc giữ và bảo vệ nguồn nước, chống gió bão phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh; bảo tồn và phát triển các khu rừng cảnh quan, góp phần vào việc phát triển các khu du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng; việc khai thác sử dụng hợp lý để cung cấp nhựa thông phục vụ cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân” - Bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết.
Theo ông Ngô Hùng Tú, Phó Trưởng đoàn Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An: Trên địa bàn Nghệ An hiện đang có khoảng 22.000 ha rừng Thông. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý thực bì đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ; dự kiến để xử lý 1 ha thực bì dưới tán rừng Thông tốn kém tối thiểu từ 4-5 triệu đồng. Trong khi nguồn kinh phí cho công tác phòng chống, cháy rừng cũng rất hạn hẹp, các đơn vị quản lý rừng và các địa phương còn phải chi vào việc mua sắm thêm dụng cụ chữa cháy, công tác tập huấn, duy tu chòi canh, làm đường băng cản lửa…
Trong bối cảnh kinh tế của các chủ rừng Thông còn khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nguồn khai thác nhựa Thông; mà giá nhựa Thông sau khai thác trên thị trường hiện tại khoảng 20.000 đồng/kg, dẫn đến việc người dân bỏ bê; không mặn mà với khai thác nhựa Thông cũng như bảo vệ diện tích rừng Thông; ngoài ra vì trồng thuần loài ở diện tích lớn, (nên xuất hiện bệnh đồng ruộng) dịch sâu róm Thông, nên đề xuất các cấp các ngành nghiên cứu trồng xen kẽ cây bản địa. Mô hình này đã được thực nghiệm thành công tại Trường Đại học lâm nghiệp Việt Nam. Vậy việc xem xét hỗ trợ chính sách cho công tác phòng chống, cháy rừng của các chủ rừng là hoàn toàn hợp lý, cấp bách.
Có thể thấy, để bảo vệ tốt các cánh rừng Thông, biến đây thành những “lá chắn xanh”, tác dụng tốt đến cảnh quan, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngoài thực hiện những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho chủ rừng còn cần chú trọng đến việc chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng nghề cũng như giới thiệu việc làm cho những người sống dựa vào các rừng Thông.
Bên cạnh đó, cần thiết hướng dẫn, giám sát, quản lý về quy trình khai thác nhựa Thông theo tiêu chuẩn, để chủ rừng sau thời gian chăm sóc, phục hồi cây rừng vẫn có thể khai thác nhựa Thông mang lại giá trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của cây Thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đặc biệt khu vực ven biển chắn song, chắn cát và khu vực rừng phòng hộ liền kề với các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trọng điểm.
Quản lý, bảo vệ và phát triển phục hồi diện tích rừng Thông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển phục hồi rừng Thông./.