Ngày xuân nói chuyện uống Rượu

Nói về mùa xuân, ngày Tết có lẽ không ai quên nói về rượu. Rượu vừa được khen vừa bị chê. Người khen thì khen hết lời, người chê cũng chê hết cỡ. Các cụ xưa nói “Vô tửu bất thành lễ”. Ngày nay, đấng mày dâu thường vin vào câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong” để uống rượu thả phanh gây ra bao nỗi khổ cho bản thân, gia đình và xã hội.
uong-ruou-ngay-tet-1674267146.jpg
 

Có nhiều chuyện đau lòng xảy ra trong ngày tết vì say rượu. Ông chồng nọ chỉ vì quá chén mà cầm dao chém vợ đến phải vào bệnh viện cấp cứu, có kẻ say rượu ngã úp mặt xuống ruộng bùn, không ai phát hiện kịp thời đã mất mạng, lại có anh sinh viên nọ đang học đại học năm cuối về ăn tết chỉ vì “chén tạc chén thù” với chúng bạn mà hậu quả gánh chịu là tàn tật suốt đời vì tai nạn xe máy…

Cũng chỉ vì uống rượu mà hàng xóm thậm chí anh em ruột đánh nhau sứt đầu mẻ trán, vợ chồng đánh cải chửi nhau, gia đình tan đàn sẻ nghé. Phải chăng vì thế mà trong dân gian có câu “Kẻ uống rượu thì ngẩng cao đầu, vợ kẻ đó thì cúi mặt xuống đất”. Bên cạnh những mặt có hại, rượu cũng có nhiều mặt tốt nếu biết dùng rượu đúng cách.

Cha ông ta thường quan niệm “Mâm cao cỗ đầy không tầy chén rượu”. Rượu khai vị cho ăn ngon có lợi cho sức khoẻ nên nhà thơ mới có “rượu thánh”, y tế mới có “rượu thuốc”, cưới hỏi có “rượu hợp cẩn” và trong nghi lễ quốc gia, quốc tế có nâng cốc chúc mừng.

Nhiều nghiên cứu về uống rượu ở Việt Nam cũng chỉ ra nhiều cái lợi của rượu như: uống rượu là cách để nam giới thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình; uống rượu để duy trì và mở rộng quan hệ xã hội; uống rượu để thể hiện nam tính của người đàn ông v.v… Ngày xuân, uống một vài ly rượu nhỏ có tác dụng kích thích dịch vị ăn ngon miệng.

Ngồi uống rượu với nhau mà đàm đạo về thơ ca, tình yêu, cuộc sống... thì còn gì thú vị hơn. Nhưng chỉ vài ly thôi nhé, đừng để những chuyện đau lòng xảy ra vì say rượu trong ngày Tết. Nào chúng ta cùng nâng ly đón chào Xuân kỷ Mão - 2023./.

Thân Trung Dũng