Ngày xuân hoạ thơ cùng bạn

Lớp nhà thơ trước như các cụ ngày xưa làm thơ, ngoài thứ thơ trách nhiệm cùng non sông đất nước, ưu thời mẫn thế, những nỗi cảm hoài, thơ tình yêu, thơ viết về vợ, về con… Các cụ còn có “Thơ đùa” để những khi gặp gỡ bạn bè thù tạc thêm vui.

Năm ấy, gần tết, ngoài đường nườm nượp ồn ào người, xe xuôi ngược, ngồi nhà chắc là buồn, nhà thơ Tế Hanh “phôn” cho tôi, hỏi có bận không, đến chơi, mình kể cho nghe chuyện vui của lớp nhà thơ chúng mình trước đây.

Dù đang bận, tôi nhận lời ngay,vì từ lâu rồi tôi đã nghĩ về anh, dù vinh quang đến đâu, tuổi già cũng cần an ủi, anh lại bị mắt kém đi lại thật khó khăn, nhất là nghề cầm bút… Tôi rủ thêm phóng viên trẻ Hoàng Xuân Tuyền mang theo ghi âm, để cuộc trò chuyện thoải mái, khỏi phải ghi chép.

Chúng tôi tới nhà, anh vui vẻ mời ngồi rồi bắt đầu câu chuyện: “Mình kể các ông nghe chuyện nhà thơ Vũ Hoàng Chương làm thơ tặng Huyền Kiêu, chắc là hợp với không khí Tết nhất: Huyền Kiêu tên thật là Bùi Lão Kiều, người vui tính, đôi lúc cao hứng có chút ba hoa. Thời ấy ông sống vất vả, nhà phải lui xuống phía Tây Hồ (Hồ Tây), lúc đó còn làng mạc vắng vẻ, chứ không sầm uất như ngày nay. Bên cạnh nhà có xóm gái làm tiền, thường gọi là đĩ. Huyền Kiêu đề thơ dán ở cửa:

093733-1tet-hiqu-1643652719.jpeg
Ảnh minh hoạ

Ở đây cao ngoạ ông Huyền Kiêu

Một trong những Tây Hồ danh sĩ

(Ý đề cao mình là danh sĩ Tây Hồ Huyền Kiêu ở đây!)

Lần ấy Vũ Hoàng Chương đến chơi thấy vậy đã viết bài thơ tặng lại:

Một trong những Tây Hồ danh sĩ

Cao nằm trong nách đĩ Huyền Kiêu

Gió trăng vào được bao nhiêu

Tè he Ngưng Bích giam Kiều tu mi.

Ý hài hước, Huyền Kiêu ở cạnh xóm đĩ như bị giam hãm vậy, thì gió trăng (thơ) vào được mấy? Vũ Hoàng Chương có tài hóm hỉnh, lấy nguyên câu thơ của Huyền Kiêu “Một trong những Tây Hồ danh sĩ” để vào đề, đổi chữ “ngoạ” đồng nghĩa sang chữ “nằm” - “cao ngoạ” nghênh ngang bỗng ngã xuống thành “cao nằm”. Đáng lẽ phải viết thành “xóm đĩ” là chính xác, ông đã đổi xóm đĩ bên cạnh thành “nách đĩ” cũng diễn tả sự kề sát “sát nách mà”.

Nhưng từ “nách” nghe chật chội làm sao, mà dùng cho thi sĩ; theo cách cảm từ xưa, thi sĩ đi theo với gió trăng (vì xưa nói đến thơ là nói đến gió trăng). Nhưng ở trong cái nách ấy thì “Gió trăng vào được bao nhiêu?” (thơ được bao nhiêu?). Câu kết thật hóm và nghịch “Tè he Ngưng Bích giam Kiều tu mi”. Thi sĩ Huyền Kiêu giờ thành nàng Kiều bị giam ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du).

Nhưng nàng Kiều “liễu yếu đào tơ”, chân yếu tay mềm, sa cơ lỡ vận bị giam đã đành, đằng này… Lão Kiều (tên thật của Huyền Kiêu thi sĩ) đường đường là một “tu mi nam tử” (chữ xưa, để chỉ đàn ông) không phải bị “khoá xuân” (Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân). Đặc biệt là cụm từ “tè he Ngưng Bích” thì còn gì là lầu Ngưng Bích thanh cao để giữ “người đẹp” nữa!

Thơ vui, thơ đùa, ứng đối nhau làm được vậy, Huyền Kiêu không biết có bực dọc, hay chỉ thêm mến phục bạn mình?

 

 

Chử Văn Long