*Tại Đồng Nai: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, những tháng gần đây, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan rộng trên địa bàn Đồng Nai.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nguyên nhân do người nuôi lơ là, chưa thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch, sử dụng nguồn thức ăn không rõ nguồn gốc. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vaccine phòng ngừa và phương pháp điều trị hiệu quả, giải pháp phòng dịch tốt nhất là thực hiện triệt để chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo ông Trần Lâm Sinh, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đối với những xã có dịch chưa qua 21 ngày, địa phương cần tập trung các nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.
Tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ lợn không phép; sử dụng lợn bị bệnh để chế biến, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn của cơ sở chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Nhanh chóng hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch.
Để ứng phó với tình huống dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đang củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất cho phòng, chống dịch. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân khi phát hiện lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh thì báo cơ quan chức năng, tuyệt đối không bán lợn bệnh ra thị trường.
*Tại Kon Tum: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 4 ổ dịch tả lợn châu Phi, với 111 con lợn mắc bệnh tại thôn Hào Lý, thôn Giang Lý 2 (xã Sa Long, huyện Ngọc Hồi) và xã Mô Rai, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy). Ngay khi phát hiện các ổ dịch, lực lượng thú y đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm kịp thời khoanh vùng, tránh lây lan sang các địa phương khác làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Cụ thể, vào ngày 6/1 vừa qua, thôn Bình Đông (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) là địa phương mới nhất ghi nhận dịch tả lợn châu Phi với 28 con lợn mắc bệnh, tổng khối lượng trên 1 tấn. Ngay khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy đã khẩn trương tiêu huỷ đàn lợn trên và phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại, các khu vực lân cận. Đồng thời, hướng dẫn hộ gia đình có lợn mắc bệnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để tránh lây lan, không bán chạy, giết mổ, vận chuyển gia súc.
Trong khi đó, tại thôn Hào Lý, thôn Giang Lý 2 (xã Sa Long, huyện Ngọc Hồi) đã ghi nhận 56 con lợn và làng Rẽ (xã Mô Rai) ghi nhận 27 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng khối lượng gần 3 tấn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND các xã có dịch khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: cách ly gia súc khỏe mạnh, chăm sóc nuôi dưỡng, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại; thực hiện việc phun thuốc khử trùng tiêu độc, rãi vôi tại các đường dẫn ra vào chuồng trại, xung quanh chuồng trại và tại các ô chuồng có gia súc mắc bệnh; cấp 350 lít hóa chất và một số vật tư để các địa phương để thực hiện việc vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các hộ, thôn có dịch.
Bên cạnh đó, Chi cục đã đôn đốc các huyện, thành phố trên địa bàn chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tăng cường việc kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện và xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng; khai báo chăn nuôi và thực hiện việc tái đàn lợn theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, hầu hết các ổ dịch đều phát sinh tại các hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ, điều kiện chuồng trại chăn nuôi, chăm sóc không đảm bảo, một số hộ nuôi thả rông gia súc và chưa chấp hành đầy đủ các nguyên tắc nuôi tái đàn.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục khuyến cáo người dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; sử dụng thức ăn trong chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; thực hiện nghiêm nguyên tắc nuôi tái đàn lợn và lựa chọn con giống đưa vào chăn nuôi hợp lý./.