Xuất hiện từ ngày 6/10/2021, đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 146 hộ của 62 thôn tại 17 xã trên địa bàn huyện Nông Cống, buộc phải tiêu huỷ 875 con lợn, trọng lượng hơn 50.340 kg. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, sau 21 ngày trên địa bàn huyện không ghi nhận thêm trường hợp lợn nhiễm bệnh mới, huyện Nông Cống đã công bố hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, UBND huyện Nông Cống đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn thực hiện cấp bách để khống chế, bao vây, ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp như tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các các dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Địa phương đã thực hiện nghiêm vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng, diệt côn trùng tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; thành lập chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động trực 24/24h để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch theo quy định. Bố trí, tổ chức lực lượng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn để phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý, bao vây ổ dịch kịp thời…
Cùng với Nông Cống, huyện Như Thanh cũng đã kịp thời khống chế được bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn huyện. Theo đó, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 34 hộ của 17 thôn tại 4 xã trên địa bàn huyện, buộc phải tiêu huỷ 224 con lợn với tổng trọng lượng hơn 10.900 kg. Sau 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới, huyện đã công bố hết dịch trước thời điểm Tết Nguyên đán 2022 cận kề. Hiện địa phương đang chỉ đạo các xã được công bố hết dịch tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng; kiểm soát giết mổ, quản lý chặt chẽ đàn lợn và xử lý kịp thời trong trường hợp lợn tái phát bệnh.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, xuất hiện từ ngày 20/9/2021, đến nay trên địa bàn tỉnh bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 644 hộ của 71 xã thuộc 12 huyện; buộc phải tiêu hủy hơn 4.000 con lợn…
Để kịp thời ngăn chặn và dập dịch, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chỉ cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương có dịch triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách. Ngành đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh ứng phó tại địa bàn có các ổ dịch mới phát sinh để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương khống chế dịch bệnh.
Ngành tổ chức tiêu hủy kịp thời toàn bộ số lợn mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh; thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh theo quy định. Đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo.
Đối với vùng đệm, vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục 1 lần/tuần trong 21 ngày kể từ khi có dịch. Ngành đã huy động gần 32.000 lít hóa chất và gần 40 tấn vôi bột để phục vụ cho phòng dịch; thành lập 31 chốt kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch theo quy định…/.