Di sản văn hóa tạo nên nét đặc trưng của Việt Nam
Hệ thống di sản văn hóa trải khắp đất nước chính là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua phát triển du lịch. Di sản văn hóa đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng cho du lịch Việt Nam; kết nối và đa dạng hóa các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.
Đến nay Việt Nam đã có 9 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cũng trong năm 2023, Việt Nam lần thứ tư được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Đây là những điều kiện tốt để chúng ta nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Vì vậy, chúng ta cần phát huy thế mạnh về tài nguyên di sản văn hóa, trong đó lấy du lịch di sản là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh đó cần có những giải pháp hữu hiệu về bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị di sản văn hóa luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đến nay, Việt Nam đã có hàng chục di sản được UNESCO ghi danh, công nhận là các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản tư liệu của thế giới, trong đó có 2 di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), 5 di sản văn hóa (Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, thành nhà Hồ, cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn), 1 di sản hỗn hợp (quần thể danh thắng Tràng An) và 24 di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu. Đây đều là các điểm đến nổi tiếng, với giá trị nổi bật toàn cầu, thu hút khách du lịch.
54 dân tộc với bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam; hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, của các dân tộc; các di sản văn hóa - nghệ thuật, văn nghệ, các bảo tàng lưu giữ các minh chứng giá trị di sản văn hóa dân tộc… là nguồn tài nguyên du lịch hết sức đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, các di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng ở các vùng miền, các tỉnh/thành phố trong cả nước. Nhiều sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa đã được các địa phương khai thác thành công, có thể kể đến tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, danh thắng Tràng An, các lễ hội truyền thống và đương đại như Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Bà Chúa Xứ, Festival Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ...
“Chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định, sản phẩm du lịch văn hóa chính là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hóa các tour, tuyến du lịch. Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản - văn hóa và ẩm thực hàng đầu châu Á” của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) và gần đây nhất, năm 2022, được bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Có thể thấy, tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch với văn hóa và di sản” – ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Nâng chất du lịch từ khai thác giá trị di sản văn hóa
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đánh giá: Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Du lịch đã góp phần tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ; thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đặc biệt, du lịch tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo và đời sống người dân ở nhiều địa phương.Việc gắn kết giữa du lịch với bảo tồn giá trị văn hóa, di sản, môi trường sinh thái ngày càng được đẩy mạnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PSG.TS) Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.
Quần thể di tích cố đô Huế và vịnh Hạ Long từ khi mới được ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay, đã thu hút hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO công nhận) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng số lượng khách du lịch tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 là 14,3 triệu khách, năm 2019 tăng lên khoảng 18,2 triệu khách. Tổng doanh thu từ bán vé tham quan, dịch vụ tại các khu di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 khoảng hơn 1.700 tỷ đồng, năm 2019 khoảng hơn 2.300 tỷ đồng.
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, các khu di sản ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tại các khu di sản hình thành các tuyến, điểm du lịch với các hình thức du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Nhằm tăng cường, đẩy mạnh phát triển du lịch ở Việt Nam trên cơ sở lấy di sản văn hóa làm trụ cột chính, nâng tầm giá trị của di sản văn hóa trong chiến lược định vị thương hiệu du lịch quốc gia ở Việt Nam, đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền đề xuất tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận, ghi danh các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam là di sản thế giới, trong đó, đặc biệt chú trọng đến những khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, làm nổi bật các giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp cảnh quan của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để tuyên truyền, quảng bá. Lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu, di sản thế giới để phát triển khai thác phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Di sản văn hóa có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tiêu biểu nhất là du lịch văn hóa hay du lịch di sản. Tuy nhiên, di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi được sử dụng, phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một "cơ thể sống động" trong đời sống, tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng, phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối.../.