Nam Định hội đủ tiềm năng, lợi thế trở thành một cực phát triển quan trọng của Vùng Đồng bằng Sông Hồng

Nam Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học. Tỉnh đã giành được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Mục tiêu đến năm 2030, Nam Định sẽ trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của Vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng.
quy-hoach-nam-dinh-01-1709774814.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. (Ảnh TTXVN)

Tỉnh Nam Định với dấu ấn tăng trưởng vượt bậc

Chiều 6/3 vừa qua, tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và một số địa phương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Nam Định qua các thời kỳ; đại diện các tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược; đại diện một số đại sứ quán và các tổ chức quốc tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 cho lãnh đạo tỉnh.

Nam Định là tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, có diện tích gần 1.700 km², dân số khoảng 2 triệu người, với 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

quy-hoach-nam-dinh-004-1709774848.jpg
Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định trình bày sơ lược Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại hội nghị. (Ảnh TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt gần 9%/năm, trong đó năm 2023 đạt mức tăng trưởng 10,19% cao nhất từ trước đến nay. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại; môi trường đầu tư được cải thiện; xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo tỉnh được thay đổi toàn diện.

Với mong muốn phát triển bền vững, bứt phá trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Nam Định đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai lập Quy hoạch tỉnh theo đúng trình tự quy định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729-QĐ/TTg ngày 29/12/2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nam Định là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học. Tỉnh đã giành được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh đạt 10,19%, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 6 cả nước.

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nam Định hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế trở thành một cực phát triển quan trọng của Vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Theo Phó Thủ tướng, để đạt được những mục tiêu trên, Nam Định cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tốt thời cơ, tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng trải nghiệm của nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, Nam Định cần tiếp tục phát huy truyền thống khoa cử, hiếu học để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách thu hút lao động trẻ được đào tạo, trở lại làm việc tại Nam Định bằng điều kiện phát triển, cơ hội nghề nghiệp, nhà ở và môi trường sống chất lượng với các dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại các đô thị.

Định hình vóc dáng trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển vùng

Theo đó quy hoạch, Nam Định đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam đồng bằng sông Hồng, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm.

Kinh tế-xã hội của tỉnh được tổ chức phát triển theo mô hình “3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế” với định hướng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển, ven biển.

3 vùng động lực được xác định là: Vùng đô thị thành phố Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp-nông thôn và vùng kinh tế biển. 4 cực tăng trưởng là: Đô thị trung tâm thành phố Nam Định; trung tâm đô thị Cao Bồ, huyện Ý Yên; trung tâm đô thị Thịnh Long-Rạng Đông; trung tâm đô thị huyện Giao Thủy.

5 hành lang kinh tế là: Hành lang quốc lộ 10; hành lang cao tốc bắc-nam; hành lang đường bộ ven biển; hành lang đường bộ mới thành phố Nam Định-Lạc Quần-Giao Thủy; hành lang cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Hải Phòng.

quy-hoach-nam-dinh-02-1709774791.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh TTXVN)

Theo tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng.

Ngoài ra, Nam Định tập trung phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy mang tính đột phá của tỉnh, là một trung tâm kinh tế biển phát triển, có cảng biển tổng hợp và cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc cho rằng, Quy hoạch đã đáp ứng niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân về những cơ hội phát triển mới, hướng đến mục tiêu khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, để sớm đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp chính quyền trong tỉnh cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng của Quy hoạch để triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra; xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch, từ đó phân bổ nguồn lực thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

quy-hoach-nam-dinh-03-1709774931.jpg
Tỉnh Nam Định trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư. (Ảnh TTXVN)

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Nam Định trao các Quyết định chủ trương đầu tư, Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 276 triệu USD; trao 9 Biên bản ghi nhớ về đầu tư các dự án tại tỉnh Nam Định trên các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, dịch vụ./.

Nam Định cần lựa chọn các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức có giá trị gia tăng cao; chú trọng tạo các nguồn lực từ chính quy hoạch thông qua đầu tư phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị-công nghiệp-dịch vụ để phát triển hạ tầng; chú trọng quy hoạch và xây dựng kế hoạch phù hợp để phát triển hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh. Bên cạnh đó, tỉnh cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển quy mô lớn dựa trên tập trung đất đai, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp du lịch sinh thái, đa mục tiêu.

Trọng Đạt