Quảng cáo #128

Ngành Thuế vượt thách thức, tạo bước đột phá thu ngân sách nhà nước vượt mốc 1,7 triệu tỷ đồng

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu thuế năm 2024 đưa toàn ngành về đích với tổng số thu ước đạt 1,732 triệu tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán. Trong đó thu nội địa đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng; có 60/63 địa phương đã hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2024.
tong-ket-nganh-thue-3-1734659211.jpg
Sáng 19/12, Tổng cục Thuế chính thức công bố “Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số”.(Ảnh minh họa)

Lần đầu tiên ngành Thuế cán mốc thu ngân sách nhà nước đạt 1,7 triệu tỷ đồng

Sáng 19/12, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ quan thuế triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu thuế năm 2024 đưa toàn ngành về đích với tổng số thu ước đạt 1,732 triệu tỷ đồng (tính đến ngày 18/12/2024), đạt 116,5% dự toán; trong đó thu nội địa đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng; có 60/63 địa phương đã hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2024.

Với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ, toàn ngành thuế vẫn đang nỗ lực triển khai thực hiện thu quyết liệt trong những ngày cuối năm 2024. Theo đó, ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.

Cùng với đó, có 19/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán; 16/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ; 61/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Năm 2024, dự toán thu ngân sách được giao cho ngành thuế là hơn 1,486 triệu tỷ đồng; trong đó, thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; thu nội địa là hơn 1,44 triệu tỷ đồng.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai tuyên truyền với nội dung bám sát theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành.

tong-ket-nganh-thue-4-1734659195.jpg
Thời gian qua, Ngành Thuế cả nước đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế. (Ảnh minh họa)

Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, ngang tầm các nước phát triển

Trong hành trình số hóa công tác quản lý thuế, năm 2024, ngành Thuế tiếp tục thay đổi tổng thể, toàn diện về cách thức quản lý thuế, từng bước tích hợp đưa toàn bộ hoạt động quản lý thuế của cơ quan thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ thuế dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.

Đặc biệt, tháng 11/2024, ngành Thuế đã ra mắt ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế (Chatbot AI). Chỉ sau 1 tháng triển khai ứng dụng đã tiếp nhận và giải đáp gần 30.000 câu hỏi với 4.500 người đăng ký sử dụng.

Đối với công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, ngành Thuế đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành chính thức Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT. Tổng cộng, đã có 439 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin đến cơ quan thuế với gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Tổng giá trị giao dịch là hơn 75.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, cơ quan thuế cũng đã thu được khoảng 116.000 tỷ đồng tiền thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, tăng 20% so với năm 2023.

Tổng số tổ chức, cá nhân được đưa vào diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ kê khai nộp thuế là trên 120.300 doanh nghiệp, cá nhân với số thuế đã kê khai, nộp thuế gần 51.600 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý vi phạm là gần 30.700 trường hợp với số thuế xử lý truy thu và phạt là gần 1.360 tỷ đồng.

Đối với nhà cung cấp nước ngoài, từ thời điểm triển khai vận hành Cổng thông tin (ngày 21/3/2022) đến nay, đã có 120 đơn vị đăng ký, khai thuế và nộp thuế. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp qua cổng trong năm 2024 là gần 8.700 tỷ đồng, vượt 26% số thu cùng kỳ năm 2023 và vượt 74% so với dự toán.

tong-ket-nganh-thue-1-1734659300.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị công tác thuế năm 2024. (Ảnh CTV)

Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao kết quả đạt được và những hoạt động của Tổng cục Thuế trong năm qua.

Bộ trưởng đánh giá, công tác chuyển đổi số tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ; thu thuế thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử với số thuế đã nộp là 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm 2023. Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành và xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Tổng cục Thuế đã nắm bắt được xu thế và hòa nhập được xu thế chung. Đồng thời, có những sự đổi mới gắn với sự đổi thay của xã hội. Các cục thuế đã tích cực chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đây là nội dung quan trọng, cấp thiết của ngành trong giai đoạn thiện nay.

Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực thuế nói riêng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, với vai trò chính đảm bảo nguồn thu cho ngân sách quốc gia, ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực góp phần bảo đảm an toàn, ổn định nền kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Tổng cục Thuế trong năm 2025, phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Trong đó, tiếp tục bám sát chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính, tập trung phối hợp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực thuế nói riêng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.

Ngoài ra, tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý. Chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ. Bên cạnh đó, ngành Thuế cần quyết liệt, khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy xây dựng ngành Thuế chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách hiện đại hóa ngành Thuế; đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, doanh nghiệp và người dân.

tong-ket-nganh-thue-2-1734659330.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng và các đại biểu thăm trung tâm giám sát hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế.(Ảnh minh họa)

Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Thuế tập trung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2025 và 63/63 địa phương phải hoàn thành thu vượt dự toán; triển khai đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu. Nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu.

Ngoài ra, tiếp tục có biện pháp mạnh chống gian lận hóa đơn, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ thuế; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền và hỗ trợ người hộp thuế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, tạo động lực cần thiết để thu hút, giữ chân người tài, có tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, không để xảy ra tình trạng lãng phí tài chính, tài sản công.

Nhận định năm 2025 bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đem đến những thay đổi rất lớn trong công tác quản lý thuế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành Thuế bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, kịp thời tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành ngân sách.

Bên cạnh đó, cần lưu ý đánh giá, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021-2025; Rà soát, tham mưu Bộ để xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030. Triển khai đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu. Nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu./.

Bình Châu