Quảng cáo #128

Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi

Rà soát, hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 241/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-3-1734682144.jpg
Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch được ban hành nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 937, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các ngành, các cấp đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, tập trung, dân chủ. Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đảm bảo phù hợp với năng lực để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 937.

Yêu cầu đặt ra là quá trình thực hiện phải tạo được sự đồng bộ, liên thông, gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của bộ, ngành và địa phương trong từng thời kỳ. Các nhiệm vụ, giải pháp phải từ thực tiễn, xác định những việc cần làm ngay, có lộ trình và phân công thực hiện cụ thể.

Nghị quyết nêu rõ Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan rà soát, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong năm 2024, đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để đề xuất điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ; rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.

Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rà soát, hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước. Khẩn trương xây dựng, thực hiện cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên...

phat-trien-nang-luong-tai-tao-1-1734682259.jpg
Rà soát, hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo.(Ảnh minh họa)

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để hoàn thiện chính sách, pháp luật về hệ thống lưu trữ năng lượng, pin nhiên liệu trong phương tiện giao thông vận tải.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan rà soát, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng triển khai thực hiện đầu tư các dự án năng lượng được giao quản lý phù hợp các quy hoạch, kế hoạch liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiến độ dự án và hiệu quả đầu tư.

Chủ đầu tư các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc chủ động nghiên cứu mua than nhập khẩu dài hạn từ các chủ mỏ (hoặc đại diện chủ mỏ) tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện ổn định, dài hạn với giá cạnh tranh, minh bạch và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu...

Nghị quyết cũng nêu nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tài chính và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-2-1734682304.jpg
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí trên cơ sở hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển các nguồn cung và hệ thống truyền tải, phân phối năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, với cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và bền vững. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng; nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên.

Tiếp tục khai thác dầu khí tại các khu vực nước sâu, xa bờ. Khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; sớm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khí hóa than khi điều kiện cho phép. Nhân rộng mô hình trung tâm năng lượng tái tạo tại các địa phương có lợi thế. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất năng lượng mới và công nghệ chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than, khí sang nhiên liệu sinh khối, hydrogen, amoniac, trong đó có một số đề án thử nghiệm sản xuất hydrogen, amoniac...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường./.

PV (Theo Vietnam+)