Du lịch tỉnh Hoà Bình đã có sự phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm. Năm 2022 ước tính tổng khách du lịch là 3 triệu lượt khách, so với cùng kỳ năm trước đạt 203%, đạt 116,3% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 3.100 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đạt 204,9%, đạt 129,3% kế hoạch năm.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch quản lý nhà nước về du lịch được đẩy mạnh và nâng cao. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được từng bước đầu tư và nâng cấp. Năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí số vốn là 290,5 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng du lịch. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm được bố trí bằng nguồn vốn đầu tư công đã thực hiện như: Dự án Phát triển hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình; Dự án Hạ tầng du lịch Lạc Thủy; Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2 (tiểu dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch khu di tích Chùa Tiên, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình); một số dự án đầu tư đường du lịch kết nối đến một số khu, điểm du lịch của các huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh…
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch đã từng bước được lồng ghép triển khai và những hỗ trợ cụ thể cho hoạt động phát triển du lịch; đã cấp chủ trương đầu tư trong lĩnh vực du lịch cho một số dự án có quy mô lớn, vốn đăng ký đầu tư cao. Năm 2022, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư vào lĩnh vực du lịch cho 09 dự án với tổng diện tích là 886 ha với tổng số vốn đăng ký là 19.787,296 tỷ đồng.
Công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch được chú trọng quan tâm. Các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc tiếp tục đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch vùng ven hồ Hòa Bình, từng bước đưa vào khai thác tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ, bơi thuyền... Các huyện trọng tâm về du lịch tâm linh (Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc) đã khôi phục và duy trì tốt các hoạt động tại các khu, điểm di tích, điểm thờ tự. Các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc lựa chọn ngành nghề truyền thống để bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch. Thành phố Hòa Bình đã xây dựng sản phẩm du lịch Dù lượn (tại xã Quang Tiến) và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kinh doanh du lịch đã chủ động đẩy mạnh nâng cao chất lượng. Trong năm 2022 các cơ sở GDNN có đăng ký hoạt động đào tạo các ngành nghề du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống, thêu, dệt thổ cẩm, mây tre đan tuyển sinh được 2.834 người, trong đó: trình độ trung cấp là 987 người, trình độ sơ cấp 180 người, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 1.676 người.
Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch được đẩy mạnh qua việc tổ chức các sự kiện và quảng bá trên nhiều các phương tiện thông tin đại chúng; đã mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực và cả nước, đặc biệt là đã phát huy hiệu quả Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Du lịch Hoà Bình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của các thành phần kinh tế tham gia hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trong tỉnh. Hiện nay, các phương tiện thủy chở khách du lịch chủ yếu hoạt động trên hồ Hòa Bình, số phương tiện chở khách hiện nay là 274 phương tiện (241 phương tiện vận tải khách và 33 phương tiện vừa chở hàng vừa chở khách), bên cạnh đó, vận tải đường bộ khai thác 145 tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh và liên tỉnh với tổng số phương tiện là 171 phương tiện, 05 tuyến xe buýt với 103 xe hoạt động, 374 phương tiện phục vụ vận tải khách theo hợp đồng và 538 phương tiện vận tải khách bằng taxi với chất lượng phương tiện và phục vụ ngày càng được cải tiến, nâng lên cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, du lịch của nhân dân trong tỉnh cũng như các vùng lân cận.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình có 448 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó có 09 khách sạn 3 sao; 26 khu nghỉ dưỡng và khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao, 06 biệt thự căn hộ đạt chuẩn; 401 nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng; có 09 điểm du lịch địa phương, 01 khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận; có 07 Công ty lữ hành nội địa, Chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn tỉnh; có trên 200 xe điện và trên 300 phương tiện vận chuyển thủy, bộ tham gia phục vụ vận chuyển khách. Năm 2022 ước tính tổng khách du lịch là 3.000.000 lượt khách, so với cùng kỳ năm trước đạt 203%, đạt 116,3% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế 100.000 lượt, so với cùng kỳ năm trước đạt 206%, đạt 100% kế hoạch năm; khách nội địa 2.900.000 lượt, so với cùng kỳ năm trước đạt 202,9%, đạt 116,9% kế hoạch năm./.