Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên tái canh, cải tạo được gần 14.900 ha cà phê

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tái canh và ghép cải tạo cây cà phê năm 2021 các tỉnh Tây Nguyên ước đạt 14.853 ha; trong đó tái canh 10.606 ha, ghép cải tạo 4.247 ha.
vi-sao-noi-khu-vuc-tay-nguyen-la-vung-trong-ca-phe-lon-nhat-nuoc-ta-k8fnjpr-1636021140.jpg
Năm 2021, các tỉnh Tây Nguyên tái canh, cải tạo được gần 14.900 ha cà phê

Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng được 6.426 ha; Đắk Lắk 3.504 ha; Đắk Nông 3.100 ha; Gia Lai 1.571 ha; Kon Tum 255 ha. Tính lũy kế tổng diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011 - 2021 các tỉnh Tây Nguyên đạt được 166.796 ha.
Theo Cục Trồng trọt, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tái canh, ghép cải tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng cà phê vùng Tây Nguyên từ năng suất 24,6 tạ/ha, sản lượng 1,31 triệu tấn cà phê nhân năm 2014 lên năng suất 28 tạ/ha và sản lượng đạt 1,642 triệu tấn cà phê nhân năm 2020. Hiệu quả kinh tế của vườn được tái canh, ghép cải tạo tăng hơn sản xuất đại trà từ 25 - 40 triệu đồng/ha/năm.
Các giống mới có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào tái canh, ghép cải tạo như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, TR14, TR15 và giống TRS1,…  đã góp phần nâng cao năng suất cà phê vùng Tây Nguyên, chất lượng cà phê được cải thiện do kích cỡ hạt lớn, đồng đều.
Tuy nhiên, việc tái canh cây cà phê cũng gặp khó khăn do một bộ phận nông dân có vườn cây cần tái canh, nhưng do thu nhập chính phụ thuộc vào vườn cây. Vì vậy, việc tái canh ảnh hưởng đến thu nhập trước mắt, nông dân chưa mạnh dạn tái canh cà phê. Mặt khác, giá cà phê biến động, không ổn định, ảnh hưởng tâm lý người dân chưa muốn tái canh.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát việc sử dụng giống tái canh cấp cho người nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu cây giống cà phê trồng tái canh lớn, trong khi năng lực sản xuất giống tại các tỉnh có hạn nên chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của nhân dân.
Người nông dân khi triển khai tái canh chưa thực hiện đúng với quy trình tái canh được khuyến cáo. Quy trình tái canh cà phê cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp, từ việc tạo cây giống sạch bệnh, xử lý đất, khử nấm bệnh,… Do vậy, việc trồng tái canh cà phê chưa đảm bảo kỹ thuật, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây cà phê trồng tái canh.
Ngoài ra, nguồn lực ngân sách hỗ trợ tái canh còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch tái canh còn chậm so với kế hoạch đề ra tại một số tỉnh. Nông dân tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn, đa phần các hộ dân thực hiện tái canh dần dần, theo hình thức cuốn chiếu nên số tiền ngân hàng cho vay tương ứng với phần tái canh đó thấp, cũng như ngại làm các thủ tục theo quy định của ngân hàng, nên một số trường hợp không vay theo nguồn vốn tái canh mà chọn hình thức vay theo nguồn vốn thông thường.
Theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần tiếp tục rà soát tình hình tái canh, ghép cải tạo trên cây cà phê, có số diện tích cụ thể đến tận thôn, bản về nhu cầu cần tái canh, ghép cải tạo. Theo đó, xây dựng kế hoạch và triển khai tái canh, ghép cải tạo cụ thể cho từng năm.

Vận dụng cơ chế chính sách hiện có để đẩy mạnh tái canh cà phê; đồng thời tăng cường việc công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng gắn với quản lý tốt chất lượng cây giống phục vụ cho tái canh.
Địa phương cần tích cực tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích khi tham gia chương trình tái canh cà phê. Trên cơ sở đó, người dân tích cực tham gia và chương trình tái canh được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả cho sản xuất.
Theo Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, các tỉnh Tây Nguyên tái canh 120 nghìn ha cà phê; trong đó, tái canh 90.000 ha, ghép cải tạo 30.000 ha. Kết quả thực hiện tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014-2020 được 124.294 ha, đạt 103,6% kế hoạch. So với quyết định phê duyệt tái canh đến năm 2020, Lâm Đồng đạt 138,6%, Đắk Lắk 99%, Đắk Nông 60,3%, Gia Lai 86,6%, Kon Tum 65,3%.
Đến năm 2020, diện tích cà phê vùng Tây Nguyên là 639,3 nghìn ha, tăng 132,3 nghìn ha so với năm 2010, tương đương tăng 26,1%. Năng suất cà phê đạt 28 tạ/ha, tăng 5,7 tạ/ha so với năm 2010. Sản lượng cà phê đạt 1,642 triệu tấn.
Những năm qua, do giá cà phê biến động mạnh nên việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê cũng tăng và bước đầu mang lại thu nhập ổn định, bền vững hơn, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao khi trồng xen sầu riêng, bơ và hồ tiêu trong vườn cà phê.
Ước đến năm 2021 toàn vùng Tây Nguyên có 138,1 nghìn ha các loại cây trồng được trồng xen trong vườn cà phê, bằng 21,5% tổng diện tích cà phê của vùng.