Quảng cáo #128

Mỹ thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc

Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 4/11 công bố chi tiết của hai chính sách chống đại dịch COVID-19 nhằm thúc đẩy hàng triệu người Mỹ được tiêm chủng, bảo vệ người lao động, ngăn ngừa tình trạng nhập viện và củng cố nền kinh tế.

* Tiêm chủng bắt buộc

 Đầu tiên, Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp của Bộ Lao động Mỹ (OSHA) đã ban hành quy định buộc các công ty có từ 100 nhân viên trở lên phải yêu cầu nhân viên tiêm vaccine đầy đủ, những người chưa tiêm vaccine phải xét nghiệm COVID-19 ít nhất một lần mỗi tuần, và đeo khẩu trang ở nơi làm việc. Quy định này sẽ có tác động đến 84 triệu người lao động tại các doanh nghiệp vừa và lớn của Mỹ, dù chưa rõ có bao nhiêu người trong số này chưa tiêm vaccine. OSHA vẫn đang “bỏ ngỏ” khả năng mở rộng phạm vi áp dụng quy định trên đối với các các công ty nhỏ hơn.

Thứ hai, Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid (CMS) tại Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (DHHS) thông báo chi tiết về yêu cầu nhân viên y tế tại các cơ sở nhận kinh phí từ Medicare và Medicaid phải được tiêm chủng đầy đủ, mà không được lựa chọn phương án xét nghiệm. Quy định áp dụng cho hơn 17 triệu công nhân tại khoảng 76.000 cơ sở chăm sóc sức khỏe, bao gồm bệnh viện và cơ sở chăm sóc dài hạn. Những người có lý do về y tế và tôn giáo có thể yêu cầu được miễn trừ.

tiem-chung-my-010821-1636156350.jpeg
Mỹ đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc

OSHA cho biết các công ty không tuân thủ các quy định trên có thể bị phạt gần 14.000 USD cho mỗi vi phạm. Hiện chưa rõ OSHA có kế hoạch thực thi quy định trên như thế nào, khi cơ quan này chỉ có 1.850 thanh tra để kiểm soát 130 triệu người lao động tại 8 triệu công ty. Một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết OSHA sẽ nhắm đến các công ty nếu nhận được khiếu nại.

Được đưa ra sau nhiều tuần cân nhắc và thảo luận với các tổ chức kinh doanh, nghiệp đoàn và nhiều đơn vị khác, các quy định trên đã đặt nền tảng cho nỗ lực mạnh mẽ nhất từ trước đến này của Tổng thống Biden để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đại dịch đã khiến hơn 740.000 thiệt mạng ở Mỹ.
OSHA ước tính quy định bắt buộc tiêm vaccine nói trên sẽ cứu sống hơn 6.500 người lao động và tránh được hơn 250.000 trường hợp phải nhập viện trong sáu tháng tới.

* "Những cơn gió ngược"

Tuy nhiên, các quy định trên của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều quan chức thuộc đảng Cộng hòa. Các nghị sỹ Cộng hòa tại Thượng viện đã ngay lập tức mở một đơn thỉnh cầu tổ chức bỏ phiếu nhằm đảo ngược các quy định mới này. Nhưng vì đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Thượng viện, nên nỗ lực trên gần như chắc chắn sẽ thất bại. Bên cạnh đó, hàng chục quan chức trong mảng tư pháp thuộc đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ khởi kiện với lập luận rằng chỉ có Quốc hội mới có thể ban hành các quy định sâu rộng như vậy.

Tuần trước, 19 bang của Mỹ đã khởi kiện để ngăn chặn quy định yêu cầu tiêm vaccine của Tổng thống Biden đối với nhân viên của các nhà thầu liên bang. Ban đầu, quy định này dự kiến có hiệu lực vào ngày 8/12, nhưng chính quyền Tổng thống Biden ngày 4/11 cho biết sẽ hoãn đến ngày 4/1/2021 để trùng với hai quy định mới nói trên.

Các quy định này yêu cầu người lao động phải tiêm hai mũi vaccine Pfizer hoặc Moderna, hoặc một mũi vaccine Johnson & Johnson trước ngày 4/1, hoặc phải xét nghiệm hàng tuần. Những nhân viên có kết quả dương tính phải bị cách ly khỏi nơi làm việc. Quy định này không áp dụng cho những người làm việc ở nhà hoặc ngoài trời.

mycovid972021-1636156392.jpeg
Mỹ đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc

Các công ty sẽ không phải thực hiện hay chi trả cho chi phí xét nghiệm, nhưng phải cho nhân viên nghỉ làm có lương để tiêm vaccine và nghỉ ốm để phục hồi từ các tác dụng phụ nếu có. Quy định yêu cầu đeo khẩu trang và cho nhân viên nghỉ làm có lương để tiêm vaccine sẽ có hiệu lực vào ngày 5/11.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết nhiều tổ chức chăm sóc y tế tư nhân lớn đã ban hành các quy định bắt buộc tiêm vaccine của riêng mình và đạt được tỷ lệ tiêm vaccine cao, 96% trở lên, mà không xảy ra hiện tượng xin thôi việc hàng loạt. Nhà Trắng xem các quy định mới này là một công cụ hiệu quả để đối phó với hàng chục triệu người cho đến giờ vẫn từ chối tiêm vaccine.

Nhiều tuần qua, Tổng thống Biden đã khuyến khích các công ty không cần chờ đến khi quy định của OSHA có hiệu lực. Ông cũng khen ngợi các công ty đã ban hành các quy định tiêm vaccine của riêng mình và kêu gọi các công ty khác “noi gương”.

Nhiều quan chức chính quyền cho biết các nỗ lực này đang phát huy tác dụng, khi khoảng 70% người trưởng thành ở Mỹ hiện đã tiêm vaccine đầy đủ.

Walmart, công ty tư nhân sử dụng lao động lớn nhất ở Mỹ, hồi cuối tháng Bảy cho biết đã yêu cầu tất cả các nhân viên tại trụ sở ở Bentonville, bang Arkansas, cũng như các quản lý di chuyển trong nước, phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 4/10. Nhưng Walmart lại không áp dụng quy định này với bộ phận nhân viên thường xuyên tiếp xúc với khách hàng.
Hãng hàng không United Airlines đã yêu cầu nhân viên tại Mỹ phải tiêm vaccine, nếu không sẽ bị sa thải. Chỉ một số lượng rất nhỏ trong số 67.000 nhân viên của hãng từ chối tuân thủ quy định này.

Hồi tháng Tám, Tyson Foods đã thông báo với 120.000 nhân viên tại Mỹ tăng họ sẽ phải tiêm vaccine trước ngày 1/11. Và một tuần trước thời hạn đó, công ty này cho biết 96% nhân lực của mình đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Tuy nhiên, nhiều công ty đã bày tỏ quan ngại rằng các nhân viên lưỡng lự với việc tiêm vaccine sẽ bỏ việc, khiến cho lực lượng lao động của công ty còn “mỏng” hơn nữa trong bối cảnh thị trường lao động vốn sẵn thắt chặt.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức kinh doanh lớn đã phàn nàn về vấn đề thời gian của quy định trên. Các tổ chức bán lẻ lo ngại rằng quy định bắt buộc tiêm vaccine có thể gây gián đoạn hoạt động của họ trong mùa mua sắm cao điểm dịp Giáng Sinh. Nhiều nhà bán lẻ và các công ty khác cũng cho rằng quy định mới có thể làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Quy định trước đó đối với các nhà thầu liên bang đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối. Nhiều người cho rằng họ đã có miễn dịch vì họ đã từng mắc COVID-19. Số khác lại cho rằng vaccine xâm phạm các niềm tin về tôn giáo và quyền theo hiến pháp của họ.

Hàng chục tổ chức, trong đó có Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội các nhà chế tạo quốc gia Mỹ, Liên đoàn Lao động và Đại hội các Tổ chức Công nghiệp Mỹ cùng nhiều tổ chức phản đối vaccine, đã tìm kiếm các cuộc họp với các quan chức chính quyền để bày tỏ quan ngại và sự phản đối của họ đối với những điều khoản có thể xuất hiện trong quy định của OSHA.

Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ cho rằng các quy định mới nói trên là không cần thiết vì số ca nhiễm COVID-19 trung bình hàng ngày tại Mỹ đã giảm hơn một nửa kể từ tháng Chín. Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Mỹ vẫn đang giảm từ mức tăng cao trong mùa Hè do biến thể Delta, nhưng đà giảm này đã chậm lại trong vài tuần trở lại đây.

Một số chuyên gia nói rằng kỳ vọng làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra tại Mỹ sẽ kết thúc vào tháng 11 này và là đợt bùng phát COVID-19 lớn cuối cùng. Cựu Ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb đánh giá: “Chúng tôi đang chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu khi loại virus gây COVID-19 trở thành một mối đe dọa dai dẳng ở Mỹ”. 

Trevor Bedford, nhà nghiên cứu virus tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, người đã và đang theo dõi sự tiến triển của virus SARS-CoV-2, nhận định Mỹ sẽ trải qua một làn sóng dịch bệnh nhẹ hơn vào mùa Đông này, sau đó là giai đoạn chuyển đổi sang bệnh đặc hữu vào năm 2022-2023. Kể cả như vậy, ông Bedford cho biết virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi, đòi hỏi phải tiêm phòng hàng năm để đối phó với những biến thể mới nhất./.