Mùa Xuân nhớ về tuổi Thanh Xuân

Con người sinh ra và lớn lên luôn theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng chung quy đều khát khao một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Người càng già càng hay ôn lại kỷ niệm về cái thời thanh xuân sôi nổi ấy.
dsc-1381-1645836059.JPG
Cái thời thanh xuân của thế hệ chúng tôi

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Tuổi thanh xuân sinh viên hệ chính quy dài hạn 5 năm trang lứa 4X chúng tôi từ năm 1966-1971 trong thời Chiến có rất nhiều việc đáng nhớ. Như việc hàn gắn vết thương chiến tranh không chỉ thực hiện sau ngày giải phóng miền nam 30/4/1975; mà tôi không chỉ chứng kiến, mà đã trực tiếp thực hiện từ 1970 ở Quảng Ninh. Lúc Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc.

Lớp chúng tôi bắt đầu đi thực tập và được “xuống đường” lần thứ 2, tham gia thi công cải tạo tuyến đường ô tô từ thị xã Uông Bí vào mỏ Than Vàng Danh. Tôi được “biên chế” thuộc đội I, đóng quân gần nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. GS Dương Học Hải, Chủ nhiệm lớp, giao cho tôi làm thực nghiệm với sự giúp đỡ của các anh chị Công nhân, điều khiển máy nghiền đá sao cho đạt được tỷ lệ % các loại đá 4x6; 2X4 và 1x2… như mong muốn. Và tôi đã hoàn thành tốt việc GS Dương Học Hải giao.

Đặc biệt, Đội I cũng có nhiệm vụ quan trọng cùng với Đội Xe ô tô hãng Giải Phóng (xe Trung Quốc), chở đất đến đổ, san lấp các hố bom, bên nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Những lúc rỗi, tôi tranh thủ xin anh công nhân lái máy thực tập điều khiển máy Ủi C-100 san lấp, đầm nén hố bom. Tôi thật phấn khởi và có phần tự hào khi được ngồi trên chiếc C-100 “đồ sộ”, gạt từng khối đất, góp phần nhỏ bé của mình tham gia hàn gắn vết thương Chiến tranh.

Có một hôm, tôi được đi tàu hỏa nội bộ, từ khu mỏ Than Vàng Danh ra Uông Bí, vào thời gian vắng công nhân đi tàu, tôi ngồi gần một cô gái xinh đẹp. Và tôi đã không bỏ lỡ cơ hội làm quen, em tên là Trần Thúy Lăng, quê ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng (lúc bấy giờ 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng). Em công tác tại Trạm Y tế mỏ Than Vàng Danh. Địa chỉ Trạm Y tế ở khoảng giữa tuyến đường (Uông Bí - Vàng Danh).

Sau hôm ấy không lâu, tôi đã đến Trạm Y tế thăm em. Tôi được em tiếp đón rất niềm nở, được “chiêu đãi” cơm tại Trạm Y tế. Bữa cơm được người đẹp mời lúc bấy giờ sao mà ngon thế. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên kỷ niệm ngày xưa ấy đẹp đẽ, lãng mạn vô cùng.

Và tôi nhớ lại câu thơ xa xưa Uông Bí Vàng Danh còn “Rừng thiêng, nước độc”: “Ai qua Uông Bí Vàng Danh; má hồng để lại má xanh đem về”. Song, câu thơ chẳng đúng với Trần Thúy Lăng. Em vẫn có má hồng, xinh đẹp như “bông Hoa Rừng”. Vì mỏ Than Vàng Danh từ những năm 60, 70 Thế kỷ XX đã được khai thác rất tốt, là “nguồn lực” cung cấp nhiên liệu cho nhà máy Nhiệt điện Uông Bí… tạo ra điện năng sức mạnh diệu kỳ của miền Bắc Tổ Quốc chúng ta lúc bấy giờ.

Thời bình

Mùa Xuân năm 1976, đồng chí Bộ trưởng giao cho đơn vị chúng tôi liên hệ với Bộ Xây Dựng tìm kiếm địa điểm và nhờ họ quy hoạch, dự định xây dựng một số công trình của Bộ, tại khu vực Bảo Phác, cách thị xã Vĩnh Yên (thuộc tỉnh Vĩnh Phú) khoảng 10 km. Một buổi chiều mùa Xuân, tôi cùng một đồng chí lái chiếc ô tô Bắc Kinh “đít tròn”, đang từ khu vực Bảo Phác chạy ra đường cái khi ấy vẫn còn hoang sơ rừng núi lắm, đang bon bon thì nhìn thấy 1 cô gái đẹp “như bông Hoa Rừng”, đứng bên đường vẫy xe chúng tôi.

Vì xe 5 chỗ ngồi mà chỉ có tôi với đồng chí lái xe, nên chúng tôi dừng xe và cho cô gái ấy đi nhờ đến thị xã Vĩnh Yên. Em là Bùi Hồng Minh, quê ở xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phú), là học sinh trường Văn Thư Lưu trữ, ở Phúc Yên (Vĩnh Phú). Em có mời tôi hôm nào có thời gian đến trường thăm em.

Ít lâu sau, tôi có đến trường (Văn Thư Lưu trữ) thăm em. Được em dẫn lên “đồi 79 mùa Xuân” ở gần trường có tượng Bác Hồ. Tại “đồi 79 mùa Xuân”, có 79 bậc lên tượng Bác Hồ; em đã hát cho tôi nghe bài hát về thời Chiến tranh, do NS Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc theo thơ Bùi Minh Quốc: “Cuộc Đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao…”. Sao mà có ý nghĩa lãng mạn Cách mạng đến thế. Ngay cả trong thời Hòa Bình. Ôi tuổi thanh xuân mới đẹp làm sao.

Trở lại mùa Xuân và Thanh Xuân

Là những gì đẹp đẽ nhất với chúng ta. Trong đó, có các bạn trẻ đang độ tuổi Thanh Xuân, yêu đương “cháy bỏng” nhưng phải học tập, thực hiện nghĩa vụ và lao động có ích cho bản thân, gia đình, xã hội; thế hệ này tiếp thế hệ kia cho dòng đời chảy mãi; Quan trọng là luôn tôn trọng nhau, cùng nhau phấn đấu cho sự nghiệp. Tôi bây giờ đã không còn trẻ nữa. Nhưng khi mùa xuân đến kỷ niệm cứ vấn vương và chợt nhớ câu nữ nhà Sư Hương Nhũ, TS Phật học cho rằng: “Xuân đến, Xuân đi, nhưng Xuân Lòng đẹp tươi mãi”..../.

Nguyễn Thành Lập