Mùa Mật ong hoa Bạc Hà

Quê tôi đá mênh mông ngút ngát, có người phải thốt lên: Đêm mơ ba thước đất bằng/ Để bàn chân bớt gập ghềnh nắng nôi/Thương người áo bạc mồ hôi/Bàn tay xếp đá chưa xuôi mọi bề…
mat-ong-hoa-bac-ha-1-1645324090.jpg
Cây Bạc Hà mọc trên núi

Bởi thế cuộc sống con người chất chồng bao nỗi gian truân nhọc nhằn, cái nương trồng ngô đá nhiều hơn đất, hạt bắp bỏ xuống phải tưới đến chín mươi chín giọt mồ hôi mới nảy mầm ra lá, cây ngô lớn lại phải đủ chín mươi chín giọt mồ hôi mới phun râu trổ cờ, chín mươi chín giọt mồ hôi nữa mới cõng bắp trên lưng, rồi bắp về nhà mồ hôi vẫn không ngừng chảy. Giọt mồ hôi hứng đầy cả bát ăn, nhưng đói nghèo vẫn không vơi bớt bao nhiêu.

Hoa bạc hà lại có một đời sống khác hẳn, những sườn núi cao trơ trụi, các cây khác hầu như không thể lên được thì hoa bạc hà lại rất tươi tốt, phủ lên một màu xanh đầy sức sống. Có một câu nói đại ý thế này: Cuộc đời không lấy hết của chúng ta cái gì mà không trả lại cho người ta cái gì. Có lẽ vậy, cây bạc hà chính là sự trả lại của trời đất cho rất nhiều cái mà thiên nhiên đã lấy đi ở trên Cao nguyên đá khắc nghiệt này.

Cây bạc hà thuộc loài cây thân cỏ, lá mọc so le hình răng cưa. Cây nảy mầm từ mùa xuân, nhưng phải đến mùa thu cây mới ra hoa. Hoa bạc hà hình đuôi chồn, xung quanh gắn hàng ngàn cái chuông nhỏ. Mỗi quả chuông chứa rất nhiều mật. Quả chuông mở ra, mùa hoa nở, chính là mùa con ong đi lấy mật.

Cuối thu hoa bạc hà nở dâng tràn màu tím mênh mông lên bạt ngàn đá núi thâm u, bầy ong thợ kéo đến hàng đàn, mải mê hút mật. Một cơn gió tràn qua, chúng bay vút lên, nhiều cái túi mật đã đầy nặng. Định hướng một lát rồi chúng chầm chậm bay về tổ. Từ sáng sớm tới chiều tối, vùng có hoa bạc hà luôn rù rì náo nhiệt trong ngày hội của bầy ong.

Tôi được ông dẫn vào rừng tìm gỗ làm đõ ong. Ông bảo con ong thích cái đõ làm từ thân cây khô đã bị mối hoặc kiến đục rỗng ở giữa, chỉ cần lấy về sửa sang lại chút ít chúng thích hơn những cái đõ đóng thành hộp như hình bao diêm. Nhưng đõ làm bằng thân cây rất khó lấy mật, mà mật cũng không nhiều. Gỗ làm đõ thường là gỗ tạp không có mùi.

Đõ ong thường có chiều dài hai gang rưỡi, rộng hai gang và cao một gang rưỡi, có thể làm từ mười đến mười hai cầu, tuỳ theo độ to nhỏ của mỗi đõ. Đóng xong đem phơi nắng ít nhất ba ngày cho bay hết mùi gỗ, lấy phân trâu về trét cho kín các khe hở xung quanh, tiếp tục phơi nắng một ngày cho phân trâu khô kiệt là có thể nuôi ong được. Đõ mới ông tôi thường không làm đủ số cầu, mà lấy một vài cầu của đõ cũ đã có sáp đặt xen kẽ vào nhau.

Ông bảo phải làm thế nào để con ong thấy nơi này ấm áp thì nó mới ở. Lần đó hai ông cháu làm được bốn cái đõ, rồi đặt ra góc vườn. Ông bảo ngày mai cùng đi bắt ong soi. Sáng hôm sau tôi đã thấy bầy ong bay về kín một khoảng vườn ở đầu nhà, thì ra hai đõ đã có ong tìm về ở. Ông kể một kỷ niệm là có lần thấy đàn ong bay vù vù trên đầu, ông tung cái khăn dệt bằng vải lanh lên trời, chỉ chớp mắt bầy ong đã bám đen cái khăn và rơi xuống đất.

Ông bới trong đống bắt con chúa đem về, cả đàn bay theo làm đen cả một góc trời. Làm được đõ tốt chỉ là một khâu trên lộ trình dài nuôi ong, đõ tốt không có nghĩa là phải đẹp về chất liệu, điều quan trọng là đàn ong thích ở, khi đã ở rồi không muốn đi nơi khác nữa.

Trước mùa mật người nuôi ong thường mua các đàn do người ta bắt trên rừng về hoặc đi bắt ong soi để đàn kéo về. Những vùng biên giới như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh người nuôi ong có thể mua đàn của nước bạn Trung Quốc, ong thợ của họ to hơn giống địa phương, lấy được nhiều mật hơn và chất lượng không có gì khác nhau.

Sau mùa mật, để giữ được đàn ong cho đến mùa mật năm sau là cả một vấn đề. Đầu tiên là việc chia đàn, khi một tổ có hai con chúa thì tổ đó thế nào cũng chia đàn. Để không bị chia, ông tôi thường xuyên kiểm tra, thấy có mọc mũ chúa thì phải phá bỏ. Sau nữa bị đói chúng cũng bỏ đi. Đõ phải thường xuyên được vệ sinh, nếu có kiến hoặc gián đàn ong cũng không ở… Năm trước có mười đõ, năm sau giữ được năm sáu đõ đã là một thắng lợi lớn.

Mật ong bạc hà là loại bổ dưỡng, dễ dùng, có nhiều công dụng chữa bệnh trong dân gian. Lấy một ít mật, 10 lát gừng, 10 giọt chanh tươi cho vào chén hấp cách thủy 10 phút rồi ngậm chữa bệnh viêm họng rất hiệu nghiệm. Nếu bị bỏng hoặc trầy xước da, lấy mật ong bôi lên vết thương rất mau lành, da non ra nhanh và quan trọng hơn là vết thương không hề để lại sẹo.

Buổi tối trước khi đi ngủ ngậm mật ong sẽ tránh được các bệnh về răng miệng và vòm họng. Người đi làm về mệt chỉ cần uống một ít mật ong pha với nước ấm sẽ thấy người khoẻ lại, cái mỏi mệt trốn đi đâu mất. Mùa đông giá rét đi ra khỏi nhà uống một ít mật ong sẽ không bị viêm họng. Mật ong kết hợp với nghệ đen, bột tam thất chữa được bệnh dạ dày và đường ruột, còn sữa ong chúa bồi bổ thần kinh và trí lực rất tốt…

mat-ong-hoa-bac-ha-la-gi-300x225-at-2x-1645324134.jpg
Mật ong hoa bạc hà thu được từ cây cỏ bạc hà mọc dại ở Hà Giang chứ không phải từ rau húng bạc hà, môn bạc hà như mọi người lầm tưởng

Trên cao nguyên Mèo Vạc ngoài mật ong bạc hà có màu vàng ánh xanh, còn mật hoa Tam giác mạch có màu hồng đỏ, mật hoa vải màu nâu, mật hoa ngô màu vàng… Ngày xưa còn có mật hoa thuốc phiện màu cánh dán, là một loại dược liệu rất quý, hiếm… Khi chưa có thùng quay li tâm, ông tôi thường dùng vải xô bọc kín sáp ong để vắt mật.

Ông rất cẩn thận, chỗ nào có nhộng hoặc ong non, ông dùng dao cắt ra để ngâm rượu hay nấu cháo, ông chỉ vắt chỗ sáp đầy mật vàng óng. Nhìn mật chảy thành dòng xuống chiếc chậu tôn thơm phức. Mấy con ong bay quanh tỏ vẻ luyến tiếc, có lúc chúng rơi cả vào chậu mật đặc sánh.

Mùa mật khoảng trên dưới một tháng, phụ thuộc vào mùa hoa nở. Số lượng thu được nhiều hay ít lại phụ thuộc vào thời tiết, nếu nắng ấm, ít sương vào lúc hoa bạc hà nở rộ thì ba ngày có thể quay lấy một lần, còn nếu trời nhiều sương hoặc rét đậm thì phải một tuần hoặc mười ngày mới được quay một lần.

Số mật của lần quay đầu thường rất ít, màu sắc lại không bắt mắt, chưa rõ được màu đặc trưng của hoa bạc hà. Cái quý của mật quay lần đầu không phải ở số lượng ít hay nhiều mà ở chính giá trị đặc biệt của nó. Có lẽ vì vậy mà mật ong quay lần đầu ít khi thấy người ta đem bán, thường là để dùng trong nhà hoặc làm quà biếu.

Khi vào vụ ong người dân quê tôi thường kéo nhau lên núi tìm mật. Ong làm tổ trong hốc đá, ai tìm thấy trước thì đánh một cái dấu cộng bằng vôi vào nơi dễ nhìn thấy để người sau đến biết rằng tổ này đã có chủ. Chỉ cần như vậy mà bao đời nay không ai xâm phạm của ai. Khi sáp ủ đầy mật thơm thì người ta đem xà beng, quẩy tấu, thùng nhựa lên cái tổ đã đánh dấu, cạy lấy mật đem về.

Họ chỉ lấy chỗ sáp có mật, để lại chỗ nhiều nhộng để ong sinh con, duy trì đàn cho đến năm sau. Nhiều người biết sáp ong rừng là loại dược liệu quý để bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh, nhưng đã thành lệ rồi, không ai dám vi phạm, không ai dám lấy hơn…

Mấy năm gần đây dọc đường quốc lộ lên Đồng Văn, Mèo Vạc thường xuyên xuất hiện những cơ sở nuôi ong lưu động, họ mang từ nơi khác đến bằng ô tô, họ căng bạt làm lán tại vùng có nhiều hoa bạc hà, đặt tổ gần lán, ít thì vài chục, nhiều thì vài trăm tổ. Hết mùa mật họ lại đem đi nơi khác. Suốt một dặm dài từ Mậu Duệ qua Lũng Phìn, Sủng Máng, Sủng Trà, Sủng Là, Pả Vi… trong các thung lũng hay bên triền núi là cơ man hoa Bạc hà.

Bởi vậy vào mùa đông, thiên nhiên bớt đi nhiều khắc nghiệt và trở nên thật đáng yêu. Tôi biết mật ong bạc hà là đặc sản của Mèo Vạc đã có thương hiệu. Mỗi năm người dân nơi đây làm ra hàng vạn lít mật, nguồn lợi thu về cũng rất đáng kể. Vấn đề là làm thế nào để giữ được thương hiệu, phẩm cấp của mật ong, tiêu thụ sản phẩm của người dân dễ dàng.

Mùa thu lại về, cả một vùng rộng mênh mông, hoa bạc hà hé nụ, treo đầy những quả chuông duyên dáng. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi màu xanh kia sẽ chuyển sang màu tím ngan ngát nồng nàn. Cũng là mùa con ong đi lấy mật..../.

Cao Xuân Thái