Với kỹ thuật xây dựng đá tinh xảo và quy mô đồ sộ, Thành Nhà Hồ không chỉ là một công trình phòng thủ mà còn là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của nền văn minh Đại Việt.
Thành Nhà Hồ nằm trên địa phận 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới được xây dựng vào năm 1397 cuối thời nhà Trần, với tên gọi Tây Đô. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Từ đó, thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô của triều đại mới.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã thành phế tích, nhưng thành quách vẫn còn nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Đây là tòa thành đá lớn nhất Đông Nam Á còn tồn tại, một minh chứng tuyệt vời cho kỹ thuật xây dựng tuyệt vời và sáng tạo trong cách phòng thủ của người xưa.
Chúng tôi có dịp quay lại Thành Nhà Hồ trong một buổi chiều cuối mùa thu nắng vàng rực rỡ. Đứng trước những bức tường thành sừng sững, phủ đầy rêu phong, khiến tôi như lạc vào một không gian cổ kính, trầm mặc của một thời đã xa. Mỗi khối đá ở đây như một trang sách cổ, ghi lại từng dấu ấn thời gian để kể về những thăng trầm trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
Kết hợp với đó lời thuyết trình mê đắm của hướng dẫn viên du lịch, hình ảnh về cuộc sống hoàng cung dần hiện lên rõ nét. Từ những âm thanh sôi động hàng ngày đến những nghi thức uy nghi, trang trọng trong các buổi chầu.
Rảo bước qua cổng tòa thành một đoạn, chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Trung Kiên, một du khách đến từ Hà Nội đang dùng tay xoa nhẹ lên những khối đá rất lâu như thể đang tìm kiếm thứ gì đó đã thất lạc.
Tò mò trước hành động kỳ quái của anh, chúng tôi bước lại gần và lắng nghe anh chia sẻ: “Khi đặt chân đến đây, tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của những khối đá đồ sộ, cũng như những bí ẩn chưa lời giải thích. Từ những viên gạch nung màu đỏ sẫm, hay những họa tiết tinh xảo trên đôi rồng đá cụt đầu... đều cho thấy sự tài hoa của người thợ xưa. Với tôi, Thành Nhà Hồ không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là một bằng chứng sống về lịch sử hào hùng của dân tộc ta”.
Không chỉ anh Kiên, mà mỗi du khách đến đây đều cảm thấy một sự kết nối kỳ lạ với Thành Nhà Hồ. Từng viên gạch, từng khối đá như kể những câu chuyện lịch sử, thôi thúc chúng ta khám phá và tìm hiểu. Mỗi hiện vật, mỗi góc tường đều ẩn chứa những bí ẩn, khơi gợi trí tò mò khám phá.
Chính những điều kỳ bí ấy đã khiến Thành Nhà Hồ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương. Họ đến đây để khám phá, để tìm lời giải cho những câu hỏi mà lịch sử để lại, để hòa mình vào không gian văn hóa đặc biệt và tìm hiểu về một thời kỳ huy hoàng của dân tộc.
Không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử, Thành Nhà Hồ còn mang đến sự yên bình nhờ thiên nhiên bao quanh. Trong cái nắng vàng của mùa hè, những cánh đồng xanh trải dài quanh thành hiện lên như một bức tranh sinh động. Gió nhẹ thổi qua, mang theo hương lúa và hơi mát của đồng ruộng, khiến tâm hồn ta như được thư thái sau những ngày làm việc căng thẳng.
Bên cạnh đó, bốn hồ cổ kính như những viên ngọc xanh ngọc bích, điểm xuyết giữa lòng thành. Xung quanh hồ, hoa sen đua nhau khoe sắc, tỏa hương thơm ngát, tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, là nơi để du khách có thể Check – in mỗi khi có dịp về thăm cố đô.
Bên cạnh đó, Thành Nhà Hồ còn là nơi để giáo dục thế hệ trẻ về giá trị di sản. Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: Những năm gần đây, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa tại Thành Nhà Hồ cho các em học sinh. Qua các hoạt động như “Em làm nhà khảo cổ học", "Cuộc thi ảnh, video đẹp",... chúng tôi mong muốn trao gửi thông điệp từ những nhận thức có được, góp phần bồi dưỡng thêm nhân cách, định hướng về tình yêu, cuộc sống và đặc biệt là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di sản, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, lượt du khách đến Thành Nhà Hồ đã đạt con số ấn tượng, vượt xa kế hoạch 128%. Thành công này là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực không ngừng của cán bộ Trung tâm trong việc làm mới sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Trong đó, tập trung khai thác thế mạnh hiện có, mở rộng, kết nối các điểm du lịch phù cận.
Dù cho thời gian và lịch sử đã có nhiều tác động làm tổn thương đến tòa Thành, nhưng có lẽ, rêu phong hằn trên mỗi phiến đá của tường thành cũng làm cho nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị nổi bật của di sản Thành Nhà Hồ mà thôi.
Khép lại chuyến tham quan Thành Nhà Hồ, chúng tôi không chỉ mang về những bức ảnh đẹp mà còn mang theo cả một kho tàng kiến thức lịch sử quý giá. Mỗi viên gạch, mỗi khối đá ở đây đều kể một câu chuyện, nhắc nhở chúng ta về sự hào hùng của dân tộc./.