Bộ Nội vụ vừa có tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó xin ý kiến Chính phủ về 2 vấn đề trọng tâm là mô hình tổ chức chính quyền địa phương và về xử lý vướng mắc giữa luật này với các luật chuyên ngành khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Mở rộng áp dụng mô hình như của TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng
Tờ trình nêu rõ, thực hiện Hiếp pháp năm 2013 và thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại các Nghị quyết số 18-NĐ/TW và số 27-NĐ/TW, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định cụ thể về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, phù hợp với đặc thù của từng địa bàn.
Riêng mô hình chính quyền đô thị là vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Nhằm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 06-NĐ/TW của Bộ Chính trị trong đó xác định đô thị hóa là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đề ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa (tỷ lệ đô thị hóa đến 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%), Bộ Nội vụ đề xuất và xin ý kiến Chính phủ về mô hình chính quyền đô thị.
Đó là mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị như của TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng chung cho các thành phố trực thuộc Trung ương khác (trừ thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô).
Theo đó, tại các quận, phường thuộc quận, đơn vị hành chính cấp xã của thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương (chính quyền 1 cấp).
Hai là mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị đối với các thành phố thuộc tỉnh, theo đó tại thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
Đối với thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (là đô thị có quy mô lớn, có tính độc lập và tự chủ cao, có chức năng đặc thù so với các quận) và thị xã thuộc tỉnh, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương (là mô hình đang trong tiến trình đô thị hóa, còn đan xen nhiều yếu tố giữa nông thôn và thành thị) vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND để bảo đảo phù hợp với đặc thù của các đô thị này.
Bộ Nội vụ cho rằng, việc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương như đề xuất tại dự thảo luật bảo đảm thực hiện được chủ trương của Trung ương về giảm cấp chính quyền địa phương, phân biệt rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn.
Cùng với đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế; đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa của các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang có tốc độ phát triển nhanh như các thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương
Để triển khai có hiệu quả, đồng bộ các chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền.
Tuy nhiên, tại các luật chuyên ngành hiện nay có nhiều quy định chưa bảo đảm tính thống nhất với nguyên tắc như trong dự thảo. Qua rà soát sơ bộ có 142 luật quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của các cấp chính quyền (HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), trong đó có những việc quy định cho cả 3 cấp hoặc 2 cấp cùng thực hiện hoặc có sự chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.
Từ đó, Bộ Nội vụ đề xuất dự thảo quy định giao Chính phủ căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương đang quy định tại các luật chuyên ngành chưa phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương quy định tại luật này.
Cùng với đó bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc phân cấp theo hướng cơ quan phân cấp chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ phân cấp; cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện thực hiện.
Các cơ quan chủ động phân cấp trong tổ chức thực hiện dựa trên nguyên tắc mới về phân cấp được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)./.
Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025 để xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết có liên quan về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; trong đó có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).