Mở đường cho doanh nghiệp tư nhân bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới

Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới 2025–2030, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025 tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối tin cậy, nơi các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung bàn thảo chiến lược phát triển đất nước.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2025 do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 5/6 vừa qua là dịp để tháo gỡ các nút thắt, tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển đột phá.

z6676659240309-6d4c586d06b20bd6e7a0825c45f32ae1-1749176708.jpg
Doanh nghiệp tư nhân chia sẻ thực tiễn và kiến nghị chính sách

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, với quan điểm xuyên suốt: phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu khách quan, chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng.

Nếu trước đây, chính sách tập trung vào việc tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp “sống sót” và “vươn lên”, thì nay, yêu cầu mới đặt ra là phải chủ động giao quyền, trao trọng trách, tạo không gian cho doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt các lĩnh vực trọng điểm như hạ tầng, năng lượng, đổi mới công nghệ, dịch vụ công…

z667320830009941670687aeb96f6ffb6163a406a7e6c3-17490974608432031952793-1749176780.jpg
PGS-TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng (Ảnh NLD)

Đây không chỉ là chuyển biến về nhận thức mà còn là tín hiệu cho một bước ngoặt chính sách mang tính đột phá: khu vực tư nhân không còn là "bên ngoài hệ thống" mà phải trở thành lực lượng nội sinh của phát triển bền vững.

z6673466515574123f337449d875cb31beb402664d7caf-174909436165360274931-1749176892.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận

Tuy nhiên, trên hành trình đi tới “trụ cột quốc dân”, khu vực tư nhân vẫn còn đối diện nhiều rào cản lớn. Đó là thể chế chưa thực sự thông thoáng, các quy định pháp lý còn chồng chéo, thiếu nhất quán; việc tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường vẫn nhiều bất cập; và đặc biệt là tâm lý e ngại bị hình sự hóa trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong bối cảnh doanh nhân buộc phải dấn thân, đổi mới, chấp nhận rủi ro để bứt phá.

Không ít doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý chỉ vì các hành vi vi phạm mang tính chất hành chính – kinh tế nhưng lại bị suy diễn sang hình sự. Điều này không chỉ triệt tiêu động lực sáng tạo, mà còn làm xói mòn lòng tin và cản trở làn sóng khởi nghiệp.

Chương trình chia làm hai phần chính: Gỡ rào cản pháp lý – Tạo hành lang phát triển; Không hình sự hóa – Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Các đại biểu tập trung nhận diện các rào cản về thủ tục đầu tư, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư tư nhân trong các dự án công – tư (PPP), cũng như thiết lập tiêu chí minh bạch, bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận cơ hội phát triển.

Giới chuyên gia nhấn mạnh: không hình sự hóa là điều kiện tiên quyết để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư dài hạn. Một nền kinh tế mà doanh nhân dám dấn thân là một nền kinh tế có nội lực thực sự.

z6673740664309310bc6bf426f70c48c47ca333aaa0a00-1749097124943382149723-1749176814.jpg
Ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (Ảnh NLD)

Ông Phan Đình Tuệ, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM chia sẻ: Nghị quyết 68 đặt mục tiêu cả nước phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp, và tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể nâng cấp, dìu dắt khoảng 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động hiện nay tham gia vào mục tiêu này. Tuy nhiên, để chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp còn rất nhiều rào cản, không chỉ về vốn mà còn về nhận thức. Khi một cá nhân chuyển đổi thành doanh nghiệp, các quy định pháp luật và thể chế phải thay đổi cho phù hợp, đồng thời người chủ doanh nghiệp cần theo kịp các yêu cầu về quản trị, tài chính…

Cách đây gần 40 năm, công cuộc Đổi mới năm 1986 đã khơi thông dòng chảy kinh tế tư nhân, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Ngày nay, trước yêu cầu tăng trưởng bền vững và cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, một “Đổi mới lần hai” trong tư duy và chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân là điều không thể chậm trễ.

Việt Nam không thiếu doanh nhân giỏi, dám bứt phá, nhưng họ đang cần một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và không rủi ro hình sự hóa. Cởi trói thôi chưa đủ – phải thực sự trao quyền, đồng hành và bảo vệ.

 

Chí Tân