Báo cáo mới đây do Hội đồng điều phối kinh doanh (CCE) trình lên Thượng viện Mexico cho thấy kết quả trên đạt được là do 85% các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị thuộc các ngành hóa chất, nhựa, thực phẩm và đồ uống, chăm sóc cá nhân, hộ gia đình và cửa hàng tự phục vụ, vốn chiếm 50% lượng tiêu thụ hộp đựng và bao bì nhựa trên toàn quốc, đã triển khai nhiều biện pháp như tái thiết kế bao bì, thay thế vật liệu sử dụng hoặc tái chế trực tiếp chất thải nhựa.
Ngoài ra, tỷ lệ thu hồi tất cả các vật liệu nhựa đạt 40%, trong đó polyethylene terephthalate (PET) là loại nhựa có tỷ lệ thu gom cao nhất (49%), tiếp đến là nhựa PCV (41%). CCE nhận định đến năm 2030 các doanh nghiệp tham gia Thỏa thuận sẽ hoàn thành mục tiêu thu gom 45% chất thải nhựa. Báo cáo nhấn mạnh Mexico tiếp tục đứng thứ tư thế giới về tỷ lệ tái chế nhựa PET, chỉ sau Thụy Điển, Đức và Liên minh châu Âu (EU), nhờ nỗ lực chung giữa doanh nghiệp, xã hội và chính phủ.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tại Mexico đã nâng tỷ lệ vật liệu tái chế trong hộp đựng và bao bì lên 14%, tương đương với các công ty dẫn đầu thế giới trong hoạt động này, và cao hơn mức 10% ghi nhận vào năm 2019. Nhờ đó, Mexico đã giảm được lượng tiêu thụ nhựa nguyên sinh, một biện pháp được 75% số doanh nghiệp tham gia Thỏa thuận ủng hộ. Đặc biệt, 73% thùng chứa và bao bì có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy. Về trung hạn, Thỏa thuận quốc gia về nền kinh tế nhựa mới đạt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 100%.
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết đã cơ bản loại bỏ việc sử dụng các loại vi nhựa được thêm vào xà phòng, chất giặt tẩy hoặc kem đáng răng để tăng hiệu quả làm sạch. Trong vài thập niên qua, vi nhựa đã trở thành một chất ô nhiễm phổ biến trong đất và nước, dẫn đến mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ sinh thái.
Tháng 12/2019, các Thượng nghị sĩ Mexico và hơn 50 doanh nghiệp và hiệp hội công nghiệp đã ký kết Thỏa thuận quốc gia về nền kinh tế nhựa mới, qua đó vạch ra lộ trình đến năm 2030 nhằm góp phần giảm thiểu và loại bỏ rác thải nhựa./.