Cụ thể, theo báo cáo khi chuyến bay VN1830 vừa kết thúc hành trình từ Phú Quốc về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), máy bay bị sét đánh trúng, tạo thành một lỗ thủng trên vỏ máy bay.
Tại thời điểm đó, sân bay Tân Sơn Nhất có mưa dông lớn, 2 nhân viên của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) đang chờ phục vụ chuyến bay vì mưa lớn nên đứng dưới phía sau máy bay thì xảy ra sét đánh. Sét đánh khiến nhân viên Nguyễn Đức Th.(53 tuổi), vốn có tiền sử cao huyết áp gặp biểu hiện khó thở, hoảng loạn; Võ Khắc H.(34 tuổi), bị đau đầu, chóng mặt, hoảng loạn.
Nhận được thông tin từ VIAGS, trực ban trưởng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất báo y tế ra hiện trường phối hợp VIAGS sơ cứu và chuyển 2 nhân viên đến Bệnh viện 175. Cả 2 nhân viên đều tiếp xúc tốt khi bàn giao Bệnh viện 175 và sức khỏe ổn định sau khi điều trị. Tuy nhiên, bệnh viện khuyến cáo 2 người này cần theo dõi 24 tiếng tại bệnh viện để kiểm tra thêm.
Theo ghi nhận của Trung tâm khai thác khu bay Tân Sơn Nhất, mặt sân bến đỗ 78 bị sét đánh hỏng với kích thước sâu 6cm, rộng 40cm, dài 40cm. Vị trí này cách tim bến 79 (vị trí 2 nhân viên của VIAGS đứng) khoảng 42m. Chiếc máy bay Airbus A321 đỗ ở bến 79 bị thủng một lỗ tròn trên thân, đường kính 0,5cm. Vụ việc khiến chiếc A321 của Vietnam Airlines phải dừng phục vụ để sửa chữa.
Theo dữ liệu khí tượng tại sân bay Tân Sơn Nhất, thời điểm xảy ra sự cố trên khu vực sân bay có mưa dông lớn, gió mạnh, mây tích điện hình thành xung quanh sân bay. Việc các sân bay bị sét đánh lúc có dông thỉnh thoảng vẫn xảy ra làm hư hỏng đường băng, sân đỗ hoặc thiết bị tại sân bay.
Đại diện Cục Hàng không đánh giá việc sét đánh tại sân bay là tương đối phổ biến nhưng sét đánh thủng máy bay và gây thương tích cho người là hy hữu. Đây được coi là tai nạn, không phải sự cố hàng không.