Loáng thoáng với ông cựu Bộ trưởng bình dân

Một buổi chiều áp tết Nhâm Dần, tôi và nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn Mới Lê Hữu Quế, đến thăm ông cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp tại một căn phòng nhỏ trên tầng 4 tòa nhà CLand to vật nhưng đường vào lại là ngõ hẻm khu Xã Đàn.
khat-vong-nguyen-bo-truong-le-doan-hop-ve-ky-uc-nguoi-linh-2-1643375565.jpg
Ông Lê Doãn Hợp, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các tướng lĩnh, đồng nghiệp

Nói loáng thoáng là vì ngồi trong phòng làm việc của ông mà cứ nhấp nha nhấp nhổm, khách vào ra liên tục nên chẳng có được mấy thời gian nói chuyện riêng với nhau.

Cái thời ông làm Bộ trưởng, thấy ông đăng đàn nhiều vấn đề, tôi cũng không để ý lắm, sau này gặp nhau, hiểu rõ phẩm chất, ngẫm lại, tôi nghĩ, nếu như làm Bộ trưởng TT&TT khóa nữa, với tính cách của ông, chắc không có đại án AVG.

Cách đây vài năm, khi ông đã nghỉ hưu rồi, cái viện nghiên cứu bé tí của chúng tôi mời ông đến dự tổng kết, ông nhận lời và đến rất đúng giờ. Ấn tượng ông để lại là sự hòa đồng và lắng nghe mọi người, bất kể họ là ai, tôi kèm sau chữ loáng thoáng chữ bình dân là vì thế. Tôi trân quý ông vì cái nhân tình ấy.

Ông bạn tôi lập ra một câu lạc bộ mang tên “Theo dấu chân Phù Đổng” tập hợp các “nhà hưu trí” ôn lại kỷ niệm những tháng năm gian khổ trong chiến tranh, khơi gợi lịch sử, phát huy truyền thống quê hương, đất nước cho giới trẻ, mời ông, ông cũng lặn lội từ Hà Nội lên tận Sóc Sơn giao lưu, cổ vũ.

Cái thời ông mới nghỉ hưu, nghe ông nói, “Về hưu lúc còn khỏe là rất lãng phí” tôi không mấy thiện cảm với ý ấy, nhưng rồi qua thực tế, tôi thấy ông đúng và ông đã làm được rất nhiều sau khi nghỉ hưu. Mấy anh em bên bàn trà, ông nói vui: "Khi về hưu tôi làm 4 việc là vận động làm nhà tình nghĩa cho đồng đội, làm thơ - viết sách, làm truyền thông và “làm ngơ”. Làm ngơ là những gì mình không can thiệp, tác động, thay đổi được thì đừng bàn đến nữa".

img-4663-1643375757.JPG
Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tặng sách cho đồng họ Lê Hữu Quế

Bây giờ ông làm Chủ tịch Hội đồng xác lập tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số, cái hội chẳng mấy người biết nhưng lại vô cùng quan trọng với thời đại. Ông còn làm Chủ tịch Câu lạc bộ các hội, Hiệp hội trong ngành TT&TT. Cộng sự của ông là những tên tuổi nổi tiếng. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam; ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam và ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam.

Ông chia sẻ, Hội Truyền thông số và câu lạc bộ sẽ mời đại diện các hội, hiệp hội khác liên kết hợp tác với nhau, cùng tham gia góp ý, hiến kế về những vấn đề liên quan đến chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội khi bàn về lĩnh vực ICT. Ông còn đề nghị lãnh đạo Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT cho Câu lạc bộ công nghệ này được tham gia ý kiến để các vấn đề liên quan đến chính sách phù hợp với thực tiễn đặt ra cũng như sát với nguyện vọng, mong muốn của những người làm ICT Việt Nam.

Ông từng bộc bạch với một phóng viên, “Khi tôi về hưu rất nhiều người hỏi, về hưu ông ở đâu? Nếu nói ở Hà Nội thì có người sẽ bảo tôi mất gốc, nghỉ hưu phải về với quê cha đất tổ chứ. Nhưng nếu tôi nói về quê (Nghệ An) thì chắc lại bảo tôi sao mà nghỉ ngơi an hưởng sớm thế? Nghĩ đi nghĩ lại rồi tôi trả lời thế này: Về hưu, tôi sẽ ở nơi nào đông con cháu nhất, nơi nào nhiều bạn bè nhất, nơi nào chăm sóc sức khoẻ tốt nhất, nơi nào vẫn có thể làm ICT tốt nhất”. Ý tưởng này của ông không tồi!

Và năm 2019, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, được tôn vinh với vai trò là Chủ tịch danh dự Hội Truyền thông số Việt Nam, có đóng góp lớn trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết các trí thức trong lĩnh vực truyền thông số. Ông là một trong 112 trí thức sẽ được vinh danh trong lễ Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu.

Về việc viết sách và làm thơ, “Lê Doãn Hợp - 100 điều đúc rút từ thực tiễn” và tập thơ “Tháng năm còn mãi” xuất bản năm 2015, rồi “Dấu ấn thời gian”, “Cung đường hạnh phúc” xuất bản cuối năm 2017, được độc giả hào hứng đón nhận. Có thể nói, đây mới đúng là Lê Doãn Hợp.

Sau khi xuất bản các cuốn trên, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn sách ảnh “Khoảnh khắc thời gian” và ghi chép “Cho và nhận”. Cuốn nào cũng nhận được tình cảm của bạn đọc dành cho cái tâm, cái tình của tác giả, cũng là một phần giá trị đích thực của ông trong lòng mọi người. Từ thực tiễn sinh động, ông chiêm nghiệm, tổng kết làm bài học cho các thế hệ sau. Nhiều người gọi đùa ông là “Ông tổng kết” là vì thế.

Ông luôn tâm niệm một điều, khi còn sức khỏe thì tiếp tục đóng góp cho xã hội bằng kiến thức, hiểu biết của mình. Ông nghĩ rằng, sẽ có ích cho xã hội khi "chọn những việc mình thích, những lĩnh vực mình hiểu biết, có chuyên môn, để tiếp tục cống hiến, nhất là khi xã hội đang cần". Trung thành với ý tưởng ấy nên về hưu ông làm được khá nhiều việc, đúng hơn là rất nhiều việc.

img-0760-1643375864.JPG
Một buổi giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp

“Cán bộ nghỉ hưu mà còn được tín nhiệm thì họ tham gia đóng góp với một tinh thần tự nguyện và hứng khởi, hiệu quả. Những kiến thức, kinh nghiệm đã có của họ không được tận dụng để mang lại lợi ích cho xã hội thì rồi cũng sớm theo từng con người “đi vào lòng đất”, đó là một sự lãng phí. Ông quan niệm thế. Mà đúng thế!

Cũng như nghiên cứu khoa học vậy, phải xem đề tài này đã có ai nghiên cứu, tổng kết chưa, đã có hiểu biết và kinh nghiệm về một vấn đề nào đó thì cần đúc rút lại thành kiến thức khoa học, tránh cho con cháu lại lần mò, lại chiêm nghiệm, mất thêm thời gian.

Cuộc trò chuyện một lần nữa phải tạm dừng vì có một nhóm khách mới khi chiều đã muộn. Câu chuyện đang bàn tạm gác lại, ông ký tặng chúng tôi cuốn Cho và nhận mới xuất bản và hẹn gặp nhau sau vài hôm nữa.

Nhiệt tình và Chân tình, Ông Lê Doãn Hợp là như thế./.

 

N V T