Lệ làng xây thành rào bảo vệ đảo

Khi khai sinh lập ra đất đai xóm làng trên đảo Phú Quý từ hàng ngàn năm trước. Cha ông ta, những người Việt đã xây dựng ranh giới thành rào để bảo vệ nhà cửa xóm làng quê hương hải đảo.
kinh-nghiem-du-lich-dao-phu-quy-update-1638613577.jpg
Phú Quý là một hòn đảo đẹp mà nếu du lịch Phan Thiết không nên bỏ qua (Ảnh – justasupermanhehe)

Nhằm ngăn chặn và triệt tiêu mưu đồ hung hãn của kẻ xấu. Trên cơ sở văn minh rất rạch ròi: Đông mình Tây họ; Nam anh Bắc em. Lệ làng này đã khẳng định: Biển đảo phía Đông, hướng Nam là của Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam là chủ quyền duy nhất!

Truyền thống chống ngoại xâm từ xa xưa

Theo hồi ức của những người dân cao tuổi sống trên đảo Phú Quý: “Khi lớn lên chúng tôi nghe người lớn kể lại rằng, khi mới lập ra đảo Phú Quý thú độc dữ dằn nhiều lắm, chúng vào xóm làng tận nhà vồ người cả ban ngày. Rồi có những chiếc tàu lớn chạy ngang qua đây tạt vào đảo cướp của, bắt đàn bà con gái. Phú Quý vào thời đó (khoảng gữa thế kỷ XVII) dồi dào của cải, đặc sản (nên mới có tên là Phú Quý), vì vậy thường xuyên bị bọn cướp dòm ngó".

Chúng đánh đập, bắn giết những ai chống cự lại chúng. Bà con xóm làng lấy cây rừng làm thành hàng rào bảo vệ chống lại thú dữ cũng như bọn xấu trên tàu vào đảo cướp bóc, bắt bớ. Sau nay mới tìm và khai thác được nguồn đá quánh do đất cát kết tinh lại rất chắc nằm sâu dưới lòng đất, người ta đào đem về đẽo thành từng viên, từng tảng lớn xây thành rào bảo vệ. Đến bây giờ vẫn lưu giữ nền văn minh ấy.

Đông mình Tây họ

Người dân trên đảo Phú Quý thường sống tập trung thành khu dân cư. Nhà được xây dựng san sát cùng đoàn kết bảo vệ nhau. Từ ngàn xưa mỗi căn nhà của người dân Phú Quý, dù nhà trệt hay nhà tầng đều có xây thành rào bảo vệ xung quanh. Căn bản hơn là xác định ví trí chủ quyền riêng từng nhà.

Hầu hết những người dân trên đảo mà tôi tiếp xúc đều xác định như sự giải thích của bà Bin, 92 tuổi ở xã Ngũ Phụng, ông Chiễm 95 tuổi ở xã Tam Thanh: mỗi hộ chỉ xây dựng tường thành, hàng rào ở phía hướng Đông căn nhà của mình, làm sao cho vững chắc một mặt tường hướng Đông thôi, còn tường rào vòng thành hướng Tây là nhiệm vụ của hộ bên cạnh xây dựng, xấu tốt thế nào thì hộ hướng Đông kiểm tra chứ không tham gia.

Cứ theo lề lối như thế mà thực hiện nối tiếp nhau có trật tự như vậy cho đến cuối xóm hết làng: Đông mình, Tây họ! Lệ làng đã phân công xác định hướng Đông là của Mình, hướng Tây là của Họ, từ đó khẳng định biển Đông là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, không một ai từ hướng Tây, hướng Bắc tranh giành xâm lấn!

Nam anh Bắc em

Trong chuyến công tác trên đảo dài ngày vừa rồi, tôi còn được nghe những lão ngư cao tuổi minh mẫn khẳng định. Không những tuân theo lệ làng “Đông mình Tây họ” để xây thành rào, tường rào mà khi phân chia ranh giới nhà cửa đất đai tài sản cho con cháu ở đảo Phú Quý. Người xưa vẫn cứ áp dụng văn minh “Nam anh Bắc em”. Nghĩa là, ranh giới đất đai hướng Nam là của người anh, ranh giới rẫy nương hướng Bắc phân định cho người em.

Khi ở hướng Nam người anh chưa kịp tác động rào ngăn thì người em ở hướng Bắc không được xâm phạm đường ranh ấy. Nếu muốn rào bảo vệ thì người em có quyền rào nhưng phải cách đường ranh ra một mét. Không được xâm phạm hay rào chồng lấn lên đường ranh hàng rào của người anh ở hướng Nam. Luật lệ này còn buộc người Trung Hoa phải áp dụng khi họ tản cư chạy sự truy sát của nhà Thanh, xin ngụ cư trên đảo Phú Quý vào thế kỷ thứ XVII.

Không phải bây giờ mà tự ngàn xưa biển đảo phía Đông hướng Nam là của người Việt Nam. Điều này đã được công nhận bằng nhiều chứng cứ thuyết phục buộc người Trung Hoa phải ghi nhớ luật lệ văn minh “Đông mình Tây họ” “Nam anh Bắc em”! Mà hiện nay chúng ta còn lưu giữ để khẳng định: Người Việt Nam là chủ nhân duy nhất của Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Chúng tôi còn trở lại đề tài này vào dịp khác và giải thích vì sao đảo Phú Quý lại có lệ làng văn minh này mà không địa phương nào trên đất nước ta có được./.

Lý Nam (PV TT tại Bình Thuận)