Lấy hợp tác xã làm trọng tâm phát triển kinh tế tập thể

Phát triển kinh tế tập thể đang là hướng đi giúp nông dân, doanh nghiệp vươn lên phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế sản phẩm cũng như thương hiệu, uy tín, chất lượng. Vậy nên phát triển kinh tế có hệ thống, theo chuỗi giá trị và chuyên sâu là hướng đi trọng tâm mà tỉnh Sóc Trăng lựa chọn.
kinh-te-tap-the-ho-gia-dinh-22721-1636277766.jpeg
Tỉnh Sóc Trăng cho các hợp tác xã nông nghiệp còn được miễn tiền thuê đất. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phát triển kinh tế tập thể đang là hướng đi giúp nông dân, doanh nghiệp vươn lên phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế sản phẩm cũng như thương hiệu, uy tín, chất lượng. Đây cũng là cách để sản phẩm của nhà sản xuất tiếp cận đến người tiêu dùng nhanh nhất. Chính vì vậy, phát triển kinh tế có hệ thống, theo chuỗi giá trị và chuyên sâu là hướng đi trọng tâm mà tỉnh Sóc Trăng lựa chọn.

Phát huy thế mạnh

Phát triển kinh tế tập thể được UBND tỉnh Sóc Trăng xác định là con đường giúp cho người sản xuất, doanh nghiệp nhanh chóng hình thành nên chuỗi sản xuất có hệ thống, chuyên sâu để hướng tới một nền kinh tế đa dạng, có liên kết chặt chẽ. Tỉnh Sóc Trăng có thế mạnh về nông nghiệp, chính vì vậy kinh tế nông nghiệp chiếm 50% cơ cấu kinh tế toàn tỉnh.

Việc kết nối người sản xuất trong ngành nông nghiệp chính là giúp cho chuỗi sản phẩm của tỉnh Sóc Trăng được người tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế hình dung rõ ràng hơn về quá trình sản xuất, tiêu thụ. Cũng chính từ đây, sự ra đời của các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp người sản xuất gắn kết nhau, hình thành nên chuỗi kinh tế tập thể, thực hiện theo Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết, luật, nghị định nhằm triển khai vào cuộc sống. Một số văn bản đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhất là dân cư vùng nông nghiệp nông thôn. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng đã xác định lồng ghép các chương trình, huy động nguồn lực để tạo điều kiện hỗ trợ cho các hợp tác xã.

Cụ thể là thực hiện lồng ghép Chương trình phát triển hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nhẹ thiên tai, ổn định dân cư; ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các hợp tác xã phát triển, phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương thông qua các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho hợp tác xã.

Các hợp tác xã cũng được hỗ trợ cho thuê đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp còn được miễn tiền thuê đất đối với đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở hợp tác xã, sân phơi, nhà kho, xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã được nhiều ưu đãi về thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên, thuế môn bài.

Riêng đối với hợp tác xã phi nông nghiệp, chưa có trường hợp được thuê đất dài hạn, giảm mức nộp tiền thuê đất cho hợp tác xã, hỗ trợ kinh phí cho các hợp tác xã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Đặc biệt là, tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho hợp tác xã nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường qua việc tham gia tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ; tư vấn giúp các hợp tác xã trong lĩnh vực marketing, kỹ thuật, vật tư; tổ chức Hội nghị liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã trong bao tiêu sản phẩm.

Nâng cao hiệu quả

Phát triển kinh tế tập thể đã giúp người dân tỉnh Sóc Trăng phát triển thêm nhiều năng lực về quản lý, tài chính, cũng như quảng bá sản phẩm của địa phương ra thị trường tiêu dùng ngoài tỉnh và thị trường quốc tế.

Trong 20 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết 13 – NQ/TW, 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 đã chứng minh được hiệu quả của phát triển kinh tế tập thể. Gần đây nhất là thời gian tỉnh Sóc Trăng cùng 18 tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các mô hình kinh tế tập thể, Hợp tác xã, Tổ hợp tác nằm trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ có tính hệ thống, chuyên sâu đã có thể duy trì sản xuất, vừa tiêu thụ được hàng hóa trong gần 4 tháng không có sự giao thương trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng.

Bà Hồ Thị Cẩm Đào nhấn mạnh, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể hiện tư duy mới về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

trai-cay-kskh-1636277897.jpeg
Các hợp tác xã đẩy mạnh lĩnh vực nông sản và nông sản chế biến. Ảnh minh hoạ.

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế, các hợp tác xã có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ sát và nâng cao năng lực, tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới; thu hút các đối tác lớn, có công nghệ nguồn; mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản và nông sản chế biến.

Theo thống kê của Chi cục phát triển nông thôn Sóc Trăng, tính đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 231 hợp tác xã, tăng 60 hợp tác xã so với năm 2001; trong đó, có 206 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 89,18%, tăng 73 hợp tác xã và 25 hợp tác xã phi nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 10,82%. Số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển tăng dần theo từng năm, điều này cho thấy nhận thức của người dân về làm ăn hợp tác ngày càng được nâng lên, người dân đã thấy rõ những lợi ích của việc hợp tác sản xuất so với làm ăn cá thể, nhỏ lẻ

Ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) chia sẻ, năng lực cạnh tranh sản phẩm là điều mà người sản xuất quan tâm hàng đầu trong thời kì hội nhập hiện nay. Người sản xuất hoạt động riêng lẻ sẽ khó phát triển sản phẩm nói riêng, một nền kinh tế nói chung.

Với tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, nguồn thông tin thị trường rất quan trọng để người sản xuất cân đối giữa cung và cầu. Nếu chỉ hoạt động đơn lẻ, người sản xuất khó bắt kịp tốc độ thay đổi của thị trường. Con tôm là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Chính vì vậy, để ngành sản xuất tôm Sóc Trăng phát triển, thì những người nuôi tôm, nhà máy chế biến tôm cần bắt tay với nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường quốc tế. Đây cũng chính là quy luật nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm khác.

Như vậy, có thể thấy, kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới là xu hướng lựa chọn phát triển, đặc biệt là đối với cư dân nông nghiệp, nông thôn, là phương thức để thoát nghèo, vươn lên làm giàu./.