Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Bảo Hà” có sự tham gia của các nghệ nhân, các đội hát văn khu vực phía Bắc, các ca sỹ, diễn viên, nghệ sỹ dân gian đến từ nhiều tỉnh, thành. Sự kiện nhằm mục đích để nhân dân và du khách được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, các nghệ nhân có dịp được học hỏi trao đổi kinh nghiệm, qua đó phát huy, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Trong không khí hân hoan, Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên nhấn mạnh: "Chương trình nghệ thuật là một trong các hoạt động văn hoá trọng điểm trong Tuần Văn hoá Du lịch Bảo Yên năm 2022; là hoạt động thiết thực chào mừng 75 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Bảo Yên (22/4/1947 - 22/4/2022), kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022)".
Các tiết mục tại chương trình nghệ thuật đã tái hiện nhiều lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa phi vật thể, đặc biệt là loại hình nghệ thuật hát chầu văn, văn hóa hầu đồng đã góp phần tôn vinh những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
Tại buổi lễ, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai đã công bố Quyết định công nhận đền Bảo Hà, bản Bảo Vinh, xã Bảo Hà là điểm du lịch. Đây là nơi thờ Thần Vệ quốc Hoàng Bảy, người đã có công chỉ huy quân sỹ và Nhân dân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ miền biên cương Tây Bắc đất nước. Đền Bảo Hà được công nhận là điểm du lịch sẽ góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của huyện Bảo Yên.
Đền Bảo Hà là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997 nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 60 km về hướng Nam, cách Hà Nội khoảng 220km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thờ Thần Vệ quốc Hoàng Bẩy, người đã có công chỉ huy quân sỹ và Nhân dân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ miền biên cương Tây Bắc đất nước.
Với những giá trị về văn hóa, di sản đặc sắc cùng quá trình quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng; điểm du lịch tâm linh đền Bảo Hà từng bước sẽ phát triển trở thành khu du lịch tâm linh trọng điểm kết nối các di tích lịch sử phong phú của huyện Bảo Yên như: Đền Hai Cô (xã Kim Sơn), đền Làng Lúc (xã Bảo Hà), đền Nghĩa Đô (điểm du lịch xã Nghĩa Đô), đền Long Khánh (xã Phúc Khánh),… kết hợp các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái,… Đồng thời kết nối các tour, tuyến du lịch liên tỉnh đến các khu, điểm du lịch trong cả nước.
Cũng trong buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố Quyết định xếp hạng đền Làng Lúc, thôn Lúc, xã Bảo Hà là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ngôi đền là nơi thờ phụng 3 vị Thành Hoàng làng, tương truyền là 3 vị tướng quân tài ba đã có công cùng với Danh tướng Hoàng Bảy đưa quân lên vùng đất châu Văn Bàn, châu Thủy Vĩ để đánh đuổi giặc phương Bắc, giữ yên bờ cõi vào thời Lê (thế kỷ XVIII) và có công trong việc chiêu mộ người Tày, người Nùng về chọn đất lập làng, khai khẩn đất đai, phát triển kinh tế, trở thành hậu cứ vững chắc cho nghĩa quân khi ra trận.
Di tích lịch sử văn hóa đền Làng Lúc mang trong mình những giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử và tâm linh. Đó là nơi ghi dấu truyền thống đấu tranh quật cường của người dân Bảo Hà nói chung và người dân làng Lúc nói riêng trong cuộc chiến chống giặc phương bắc xâm lược và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việc Xếp hạng Đền Làng Lúc, thôn Lúc, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên và phù hợp với qui định của Nhà nước.
Tính đến nay, huyện Bảo Yên đã có 11 di tích, danh thắng và 1 di sản văn hóa phi vật thể được các cấp công nhận, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 8 di tích danh thắng cấp tỉnh, 1 di sản lễ hội là di sản văn hóa quốc gia. Tỉnh Lào Cai phấn đấu đưa Bảo Yên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Do đó, huyện Bảo Yên đã xác định 4 lĩnh vực đột phá, một trong số đó là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào phát triển du lịch tâm linh với trọng tâm là đền Bảo Hà và du lịch cộng đồng với trọng tâm là xã Nghĩa Đô; thu hút và đầu tư các điểm đến, nơi vui chơi gắn với tập quán văn hóa của đồng bào địa phương.