Gỡ khó cơ sở hạ tầng, mở đường cho năng lượng tái tạo bứt phá tại Việt Nam

Việt Nam đã quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Việc phát triển năng lượng tái tạo là một trong những điểm mấu chốt để đất nước đạt được mục tiêu này.
nang-luong-tai-tao-6-1737955781.webp
Nhà máy điện gió tại Ninh Thuận. (Nguồn: VGP)

Thế nhưng, con đường đến chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng tái tạo của đất nước hình chữ S không phải chuyện “một sớm một chiều”.

Điều kiện tiên quyết

Để đầu tư vào năng lượng tái tạo, việc xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng là điều kiện tiên quyết. Các dự án điện Mặt trời hay điện gió đều đòi hỏi hệ thống lưới điện mới, đường giao thông để vận chuyển thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác.

Nghiên cứu của các chuyên gia tại Ngân hàng HSBC Việt Nam cho thấy, đất nước gặp phải hai thách thức chính trong chuyển đổi năng lượng là cơ sở hạ tầng và kinh phí. Ở Việt Nam, các vùng được đánh giá tiềm năng cao phần lớn nằm ở những khu vực chưa phát triển về hạ tầng khiến nhà đầu tư phải mất thêm chi phí để đầu tư vào hạ tầng (đường dự án, truyền tải)…

Ngân hàng HSBC đánh giá, khó khăn còn nằm ở việc nhu cầu về năng lượng chủ yếu ở phía Bắc và phía Nam. Đây là những nơi tập trung hầu hết các hoạt động sản xuất của đất nước.

Dù vậy, các công trình sản xuất năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo lại đang được triển khai nhiều ở khu vực miền Trung và miền Nam. Điều này có nghĩa là khả năng truyền tải sẽ phải được nâng cấp tại miền Bắc, nơi dự kiến sẽ có nhu cầu điện ngày càng tăng.

nang-luong-tai-tao-3-1737955767.webp
Nhà máy điện mặt trời An Hảo (tỉnh Sóc Trăng). (Nguồn: Nhiếp ảnh đời sống)
nang-luong-tai-tao-2-1737955761.webp
Việt Nam gặp phải hai thách thức chính trong chuyển đổi năng lượng là cơ sở hạ tầng và kinh phí. (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận thấy: “Cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại của Việt Nam khó theo kịp sự phát triển nhanh chóng của điện Mặt trời và điện gió”.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, hệ thống truyền tải hiện tại chỉ có thể tích hợp tối đa 3,3GW năng lượng tái tạo biến đổi ở miền Nam. Trong khi đó, tổng công suất năng lượng Mặt trời và gió được lắp đặt hiện tại là khoảng 20GW.

Do đó, việc phát triển cơ sợ hạ tầng, đặc biệt là các hệ thống truyền tải sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu ít nhất 47% sản lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, tăng từ mức 36% hiện nay. Mục tiêu này được đưa ra tại Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Khó khăn chưa dừng ở đó. Kinh phí để thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng trong phát triển năng lượng tái tạo cũng khiến Việt Nam “đau đầu”. Đất nước đang có nhu cầu ngày càng tăng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng kinh tế và đáp ứng quá trình đô thị hóa đang gia tăng.

Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Global Infrastructure Hub) ước tính, Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm cho chi tiêu cơ sở hạ tầng trong 20 năm tới; trong số đó, ngành năng lượng chiếm gần 45%.

nang-luong-tai-tao-5-1737955777.webp
PV Power và Vingroup ký hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh. (Nguồn: Petrotimes)

Hợp tác, cùng phát triển

Để gỡ khó những vấn đề trên, các chuyên gia từ HSBC gợi ý, hợp tác khu vực, đặc biệt là trong ASEAN là một yếu tố quan trọng trong sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo, giúp tạo ra một hệ thống cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy

Ví dụ như năng lượng Mặt trời được tạo ra ở Việt Nam có thể bù đắp cho việc thiếu hụt năng lượng từ thủy điện ở Lào trong mùa khô. Với Singapore, đất nước này đang xem xét nhập khẩu điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Hai bên có thể cùng nhau phát triển một nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2,3 GW, được kết nối thông qua một đường cáp điện cao thế dưới biển.

Không chỉ thế, Việt Nam cần có chính sách và quy định rõ ràng, cung cấp động lực kinh tế và thuế suất hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, việc đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo cần có sự cam kết và hỗ trợ từ phía Chính phủ và sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Về phía doanh nghiệp, mới đây, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho hay, Vingroup và PV Power không chỉ cùng chia sẻ mục tiêu phát triển kinh doanh bền vững mà còn chung tầm nhìn về chuyển đổi xanh và mong muốn đóng góp cho công cuộc phát triển chung của đất nước.

“Với sự hợp lực từ PV Power về nguồn năng lượng và từ Vingroup về công nghệ và hệ sinh thái xe điện, tôi tin tưởng, mối quan hệ hợp tác này sẽ góp phần kiến tạo một hạ tầng năng lượng xanh hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dùng trong cả hiện tại và tương lai”, ông Quang nhấn mạnh.

nang-luong-tai-tao-1-1737955756.webp
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chạy ngang khu vực đặt điện gió, điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Nhìn tổng thể, việc đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo là một bước đi vô cùng quan trọng để Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là một lựa chọn hợp lý và cần thiết để đất nước ghi dấu ấn trên hành trình chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững./.

Gia Thành