Lâm Đồng đối thoại với nông dân để tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Nhằm hỗ trợ sản xuất và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh với nông dân trong tỉnh năm 2022, chủ đề, “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới”.

Lâm Đồng được đánh giá là địa phương tốp đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, diện tích nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn hơn 63,1 nghìn hecta, chiếm 21% tổng diện tích canh tác; trong đó, có hơn 376ha ứng dụng công nghệ thông minh.

Toàn tỉnh có 7 vùng nông nghiệp công nghệ cao và 13 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận; giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt hơn 400 triệu đồng/ha, chiếm tỷ trọng khoảng 35 đến 40% giá trị sản xuất toàn ngành; nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm.

Phát biểu tại Hội nghị “Đối thoại với nông dân với chủ đề: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới” ông Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian qua nông dân Lâm Đồng đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19 đã tích cực sản xuất, ổn định cuộc sống, phát huy tinh thần sáng tạo của mình góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực. 

hoi-nghi-nong-dan-ld-1667899327.jpg
Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh với nông dân trong tỉnh năm 2022. Ảnh Diệp Quỳnh/Báo Lâm Đồng.

Trong nông nghiệp, bước đầu đã tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh đã khích lệ và tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp và làm giàu trên mảnh đất của mình, nhiều hộ nông dân nhất là “nông dân thế hệ mới” trở nên giàu có. Nhiều nông sản đã có nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt đã xây dựng và phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Tuy nhiên, theo ông Quận, nông nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, như việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển biến chưa rõ nét; việc thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng; tỷ trọng nông sản và số lượng nông dân tham gia chuỗi liên kết giá trị còn thấp; hỗ trợ chế biến nông sản từ các doanh nghiệp đầu tư chưa mạnh, phát triển chậm so với nhu cầu của địa phương. 

Đời sống, sản xuất của một bộ phận nông dân còn khó khăn; an ninh trật tự và an ninh nông thôn còn nhiều phức tạp. Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực nông nghiệp; nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.

Do đó, tại Hội nghị, các nhà nông, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã nêu 31 ý kiến, gồm 54 nội dung cụ thể, xoay quanh các nhóm vấn đề, như môi trường sinh thái; đất đai, quy hoạch, hạ tầng sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân; liên kết sản xuất và vai trò của quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp.

Trong đó, nhiều ý kiến đề cập đến chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, chính sách cho thuê đất sản xuất nông nghiệp; công tác quy hoạch sản xuất vùng trồng, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể; công tác quản lý vật tư nông nghiệp, kiểm tra giám sát chất lượng vật tư đầu vào; điều kiện cho vay vốn sản xuất, quản lý nhập khẩu; chính sách thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến, thúc đẩy tiêu thụ nông sản...

Nhiều ý kiến đã được các sở, ngành liên quan và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S phân tích, giải đáp tại Hội nghị. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến khác để tiếp tục giao các sở, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, trả lời cho các nhà nông và doanh nghiệp; với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới; từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 21 ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Kết luận Hội nghị, ông Trần Đức Quận chia sẻ với những khó khăn của nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trong một số vấn đề. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, trong thẩm quyền của mình, nghiên cứu, đề xuất và ban hành văn bản hướng dẫn, các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững để triển khai thực hiện; báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo.

Với các vấn đề liên quan chính sách, giao Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu và những vấn đề về chủ trương, quy định vượt thẩm quyền, Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận để báo cáo Trung ương.

Hương Lan (t/h)