Lãi suất của FED lập đỉnh, NHNN Việt Nam sẽ hành động thế nào?

MSVN cho rằng, Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam có thể định lượng các hành động của mình để can thiệp giữ cho tỷ giá ở Việt Nam ổn định theo mục tiêu (+/-3% mỗi năm).
msvn-1695282808.jpg
NHNN Việt Nam sẽ hành động thế nào, trước viễn cảnh lãi suất của FED lập đỉnh?

Đúng như dự đoán của thị trường, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất 5,25 – 5,5% tại cuộc họp tháng 9, mức cao nhất trong 22 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách bày tỏ mong muốn tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023, sau đó hạ lãi suất hai lần vào năm 2024 - ít hơn hai lần so với dự báo hồi tháng 6.

Dự báo về lãi suất quỹ liên bang năm 2025 cũng cao hơn trước. Trong khi ước tính trung vị hồi tháng 6 là 3,4%, dự báo hiện tại là 3,9%. Xa hơn, các thành viên FOMC dự kiến lãi suất quỹ liên bang sẽ vào khoảng 2,9% vào năm 2026.

Nhận định về động thái trên, Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, động thái của FED là phù hợp và như kỳ vọng của thị trường. Việc định hướng sẽ nâng thêm một đợt lãi suất vào khoảng tháng 11 cũng tạo không gian để FED vừa đánh giá các diễn biến kinh tế mới, vừa có thể hành động nếu thấy cần thiết mà không làm thị trường bất ngờ. Với phát biểu này của FED, MSVN cho rằng có thể đã thấy đỉnh của lãi suất FED quanh mức 5,5%-5,75%.

Theo MSVN, cách tiếp cận của FED cho thấy rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ đang chọn hướng đi là vừa đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách từ từ, vừa tránh cuộc suy thoái nặng. MSVN cho rằng, lãi suất cao kéo dài (do dự báo sẽ có giảm lãi suất ít hơn trong năm 2024) sẽ bắt đầu thấm vào nền kinh tế Mỹ một cách rõ rệt từ quý 2/2024, và một cuộc suy thoái nhẹ là điều khó tránh khỏi để kéo lạm phát xuống dưới 2%.

Tác động đối với Việt Nam, về kênh xuất khẩu, MSVN đề cập Mỹ hiện đang là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên khi triển vọng kinh tế Mỹ còn chưa phục hồi và hàng tồn kho chưa giảm đáng kể thì triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn yếu. Do đó, MSVN giữ quan điểm thận trọng đối với các cổ phiếu liên quan đến chủ đề xuất khẩu do giá đã chạy hơi nhanh so với triển vọng.

Về kênh đầu tư FDI, MSVN cho rằng thu hút FDI đang là chủ trương lớn của Việt Nam hiện tại. Việt Nam đang có thế và thời rất lớn. Trong các chính sách để thu hút FDI, thì tỷ giá ổn định (không biến động quá lớn qua mỗi năm) là một yếu tố cần thiết. Với việc đã phần nào nhận diện được đỉnh của lãi suất FED như định hướng trên, MSVN cho rằng Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thể định lượng các hành động của mình để can thiệp giữ cho tỷ giá ở Việt Nam ổn định theo mục tiêu (+/-3% mỗi năm). Trong ngắn hạn có thể tỷ giá trượt hơn mức này (trong các kịch bản mà MSVN đánh giá, thì tỷ giá có thể trượt về không quá 25.200 đồng trong kịch bản xấu), nhưng chắc chắn về cuối năm NHNN sẽ có hành động để giữ tỷ giá nằm trong mục tiêu.

Tóm lại, MSVN cho rằng kênh thu hút FDI vẫn tiếp tục xu hướng tăng ổn định, không bị rủi ro tỷ giá làm chệch đường ray.

Liên quan đến chủ đề thu hút đầu tư FDI, MSVN tiếp tục đánh giá cao ngành khu công nghiệp (hưởng lợi trực tiếp) và những ngành hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI vận hành: Điện (Việt Nam cần đầu tư lớn cho ngành điểm trong nhiều năm tới để đảm bảo năng lượng cho ngày càng nhiều các doanh nghiệp, và chọn PC1 cho chủ đề này); Hạ tầng (Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng để giữ sức cạnh tranh trong thu hút FDI); Giáo dục (Việt Nam cần chuẩn bị nhân lực cho các ngành công nghệ cao. Với chủ đề này, MSVN ưa thích FPT với mảng giáo dục tiềm năng chưa được định giá hết).

Tác động đến chính sách tiền tệ - lãi suất, với định hướng của FED như trên, MSVN cho rằng Ngân hàng nhà nước Việt Nam có thể định lượng và chuẩn bị được các hành động để can thiệp vào thị trường và giữ ổn định tỷ giá. Do đó, MSVN cho rằng tỷ giá sẽ không làm thay đổi xu hướng chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam. Quan điểm của ngân hàng nhà nước hiện tại là vẫn giữ chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.

MSVN cho rằng có thể trong ngắn hạn, các lãi suất chính sách có thể giữ ổn định, nhưng lãi suất thực tế (lãi suất huy động và cho vay) sẽ tiếp tục xu hướng giảm do chi phí vốn của các ngân hàng đang tiếp tục giảm và nhu cầu tín dụng yếu nên các ngân hàng sẽ phải hạ lãi suất cho vay mạnh hơn để có thể thu hút khách hàng vay vốn trở lại.

Huyền Châm