Đất rừng phương Nam hay “đốt” rừng phương Nam?

Phim “Đất rừng phương Nam” vừa chiếu rạp đã gây nhiều tranh cãi trong làng điện ảnh Việt không chỉ bởi sự đầu tư công phu về kỹ thuật và tài chính, bộ phim cũng đang trở thành điểm nóng của dư luận khi bối cảnh phim được cho là “ngụy tạo lịch sử”.
boi-canh-hoanh-trang-tra-su-1697685718.jpg
Đại cảnh hoành tráng trong phim, được cho là phục dựng lại khu chợ nổi miền Tây từ Rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Cáp Vương

Là hư cấu hay lợi dụng hai từ hư cấu?

Nhiều khán giả cho rằng, bối cảnh trong phim nghi vấn mang tính ngụy tạo lịch sử, khơi dậy những câu hỏi về sự chính xác và khách quan của việc tái hiện một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nước nhà. Điều này đặt ra một loạt câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của ngành công nghiệp điện ảnh trong việc truyền đạt thông tin lịch sử đến công chúng.

Ai cũng hiểu, các bộ phim lấy cảm hứng từ bất kỳ một tác phẩm văn học nào cũng sẽ có sự sáng tạo, hư cấu phần nào chứ không thể bê nguyên trang sách lên màn ảnh. Ngay cả chính bộ phim truyền hình Đất phương Nam (1997) cũng có thêm nhiều tình tiết mới, hư cấu so với nguyên tác tiểu thuyết. Ấy thế mà bản điện ảnh Đất rừng phương Nam lần này ở một số tình tiết, dùng từ “hư cấu” có lẽ còn chưa phù hợp. Phải nói là khác biệt, thậm chí là sai lệch cái lịch sử thực tế từ nguyên tác Đất rừng phương Nam về những ngày Nam bộ gian nan kháng chiến. 

Tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi là tác phẩm văn học, có yếu tố nghệ thuật văn chương hư cấu. Nhưng đây là tác phẩm tái hiện lịch sử, mà còn là giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong khi đó, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn chạy dòng chữ “lấy cảm hứng từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi”. Nếu không có dòng chữ này hay cái tên Đất rừng phương Nam thì có lẽ yếu tố “lật sử” bị khán giả chỉ trích cũng không mạnh mẽ đến vậy. Thêm nữa, trả lời báo giới hôm 24/7, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng nói trong suốt quá trình làm phim, ekip đã tìm kiếm thông tin, đối chiếu hình ảnh lịch sử để phục dựng chính xác nhất. 

Quả thực nhà làm phim nào cũng có quyền hư cấu, dã sử. Nhưng những tác phẩm có sức ảnh hưởng đến văn hóa, tư tưởng như phim này, mang danh chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam thì phải và buộc phải tôn trọng lịch sử, không nên làm sai lệch lịch sử quá nhiều.

Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt tìm cha của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Nhiều gia đình đang sống ở thành thị đã di tản về miền quê để tránh giặc thù, tham gia theo Việt Minh kháng chiến. Câu chuyện còn xoay quanh bối cảnh một vài nhân vật trong thời điểm lịch sử đó ở một miền quê thanh bình. 

Còn phim điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì không nói về Nam Bộ kháng chiến sau 1945, mà lùi ngược thời gian về trước, theo xác nhận của đạo diễn là khoảng 1920-1930. Trong suốt bộ phim không có bóng dáng của Việt Minh, cũng không có cả bóng dáng những người cộng sản hoạt động của Nam Bộ trước năm 1945. Hình ảnh của những người được cho là yêu nước, những người hoạt động cách mạng lúc bấy giờ chỉ gói gọn trong “Thiên Địa hội”, “Nghĩa Hòa đoàn” và hai cuộc họp chung giữa đêm. Điều đáng nói là không có một từ nào trong phim nhắc đến Cộng sản hay Việt Minh mà chỉ được diễn tả chung chung là lực lượng yêu nước, chống Pháp, làm Cách mạng… 

Nếu bỏ qua yếu tố thời gian, thì chi tiết tên các tổ chức “Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn” vẫn không thể chấp nhận được (thậm chí cả khi đại diện NSX phim đề nghị với Cục điện ảnh để được chỉnh sửa tên các hội nhóm này như họ thông báo để giảm “lửa” dư luận). Khẳng định điều này là vì khi lần ngược lại lịch sử, Nghĩa Hòa đoàn, được biết là phong trào của các nhà dân tộc khởi nghĩa Trung Quốc nhằm phản ứng lại sự xâm lấn lan rộng của nước ngoài vào các vấn đề quốc gia của nước này. Sau khi bị dập tắt, những phần tử thuộc phong trào này đã bỏ trốn, vào các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những người này khi đặt chân đến Việt Nam, họ chỉ là những người gốc Hoa, sinh sống trên nhiều vùng đất ở Nam Kỳ thời đó.

Về cái tên Thiên Địa hội hay còn gọi là Hồng Môn hội được thành lập vào khoảng những năm 1660 - thời kỳ Khang Hy vừa lên ngôi ở Trung Quốc. Tôn chỉ của Thiên Địa hội là “phản Thanh phục Minh”. Từ năm 1913-1916, thủ lĩnh của Thiên Địa hội bị thực dân Pháp bắt. Sau đó, các phong trào Thiên Địa hội ở Nam Bộ đều rút vào hoạt động kín, tạo nên một giai đoạn mới của sự hình thành các “Hội kín” ở miền Nam. Hội kín của Thiên Địa hội lúc này, về bản chất, chỉ là các nhóm xã hội đen, hoạt động ngầm, thông qua các hiệp hội lao phu.

Lại nói đến lịch sử Việt Nam giai đoạn những năm 1930 ở Nam Bộ, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, các phong trào chống Pháp lan rộng khắp nơi. Khởi nghĩa Nam Kỳ do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nổi lên vào tháng 11/1940, mặc dù thất bại nhưng đã mở ra một thời kỳ mới. Đây cũng là yếu tố tiền quyết định việc thành lập Việt Minh (19/5/1941) - tổ chức tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đánh đuổi thực dân. Kể từ đó, toàn bộ các cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam đều do Việt Minh tổ chức và lãnh đạo.

Có thể thấy, cả hai tổ chức “Thiên Địa hội” và “Nghĩa Hòa đoàn” không có một cái tên nào liên quan đến Cách mạng Việt Nam hay bất kể phong trào yêu nước nào ở Việt Nam cả. Vậy đạo diễn bộ phim Đất rừng phương Nam đang đề cao vai trò của hai tổ chức này trong bộ phim khi mà bối cảnh và sự kiện xảy ra đến tận sau tháng 9/1945 phải chăng là đang loại bỏ vai trò của Việt Minh, của Cách mạng? 

Không chỉ việc sử dụng tên Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa đoàn hay đề cao hoạt động của tổ chức này mà toàn bộ phim chỉ mang dấu ấn đậm nét của Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn. Trong phim ngay cả nhân vật bé An cũng thắp hương, bái lạy cũng như học võ và sống theo Thiên Địa hội. Các đại cảnh hoành tráng cũng toàn là hành động của Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn. Các nhân vật như anh Tiều, Võ Tòng và một loạt các nhân vật khác đều là người của tổ chức này. Lịch sử Việt ở đâu khi bộ phim được cho là tái hiện lịch sử? Những chi tiết được cho “chỉ là hư cấu” như thế này có phải chăng đang hư cấu luôn cả nhận thức về lịch sử nước nhà cho người xem?

Có rất nhiều chi tiết gây tranh cãi, và đọng lại rất sâu trong lòng người xem, mà trong 1 bài viết không thể kể hết. Đó là gì? Là sự ấm ức, bứt rứt, thậm chí là bức xúc. Đơn cử như chi tiết ba bé An, đại diện cho nhà cách mạng lại rất nhạt nhòa trong phim. Ông xuất hiện khá ít, và có đoạn kết 2 cha con gặp nhau trong hoàn cảnh éo le có sự sắp đặt lộ liễu và gượng gạo. Chưa kể, ông lại phải làm ghế cho An - người con theo Thiên Địa hội - cưỡi lên, diễn tuồng; tất nhiên là với lý do qua mắt giặc Pháp, nhưng liệu có hợp lý khi đưa vào tình huống này. Ê kíp làm phim đang muốn thể hiện điều gì? Phải chăng là muốn bóng gió Cách mạng chỉ là nhóm “rùa rụt cổ” (chi tiết này hoàn toàn này không có trong tiểu thuyết của Đoàn Giỏi và cả phim truyền hình Đất phương Nam trước đó). Đây có thể cho là hành động khí khái, chí lớn, vì nghĩa nước của ba An; nhưng làm sao có thể khẳng định không có ai liên tưởng đến một thuyết âm mưu nào đó, hoặc không có ai “nâng quan điểm” là Đạo diễn muốn đề cao vai trò của Thiên Địa hội, hạ thấp Việt Minh, Cộng sản, thì sao?!?

cha-con-gap-nhau-mung-mung-tui-tui-1697685718.jpg
Con ngồi trên lưng, trên đầu cha, hai cha con nhận ra nhau, rưng rưng nước mắt trong hoàn cảnh éo le. Ảnh: Cáp Vương

Chuyện xưa, tích cũ nhưng cái gì cũng "mới"

Không chỉ là các hoạt động hay cái tên Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn gây liên tưởng đến yếu tố “lật sử” trong phim, mà còn rất nhiều vấn đề được người xem mổ xẻ, đánh giá là mang hơi hướng Trung Quốc. 

Phải kể đến đầu tiên chính là bối cảnh khu chợ nổi hiện lên trong phim “Đất rừng Phương Nam” long lanh, đẹp mắt nhưng không giống với miền Tây dân dã. Phân cảnh được nhà làm phim tiết lộ quay với rừng Tràm Trà Sư tái hiện một chợ nổi đặc trưng của miền Tây Nam Bộ xưa. Trên các thuyền ghe xuôi ngược, hàng hóa được chất đầy, tất cả đều tất bật mua mua bán bán, thể hiện được không khí sôi động của khu chợ nổi sầm uất. 

Tuy nhiên, nhiều khán giả nhận xét giống phim cổ trang Trung Quốc hay chợ nổi Thái Lan chứ không ra nét miền Tây Nam Bộ nào cả. 

Ngay chính trực diện nhìn vào poster quảng bá cho phim cũng gây ra nhiều tranh cãi khi nhiều người thắc mắc đây có phải là trang phục của đồng bào miền Nam giai đoạn 1945 hay không? Bỏ qua yếu tố điện ảnh, không lẽ, chỉ mới vài chục năm, mà người Nam Bộ đã quên bộ đồ Bà Ba đen huyền thoại của chính mình.  

Trong phim, nếu bỏ qua ông Tiều và Bé An được những người mặc đồ tàu cứu giúp, nuôi dưỡng, cưu mang, dạy dỗ, dĩ nhiên An cũng mặc đồ tàu; thì hầu hết nhân vật xuất hiện nhiều đều mặc áo có khuy cài kiểu tàu, bao gồm cả Út Lục Lâm và bác Ba Phi. 

Nhiều người thắc mắc, trong phim có trang phục thuần Việt như áo Bà Ba không thì câu trả lời là có, có cả áo dài Việt Nam. Nhưng những người mặc những trang phục này chỉ toàn trong vai quần chúng mờ nhạt mà thôi. Ấy vậy mà vẫn có nhân vật mặc áo bà ba nổi bật, chính là Tư Mắm. Mà theo như trong bản phim điện ảnh này, Tư Mắm là tay sai của giặc Pháp và bà ta còn nham hiểm, độc ác hơn cả giặc Pháp. Hình ảnh của người Việt Nam trong trang phục thuần Việt với lòng yêu nước, căm thù giặc trong phim có lẽ bị đạo diễn bỏ quên rồi chăng…

Không chỉ vậy, Đất rừng phương Nam lần này không còn xuất hiện những người Việt thực hiện những vai trò đặc biệt trong phim nữa. Trong bản truyền hình, con Phèn được giao nhiệm vụ mang trên mình ba quả lựu đạn đến giúp Võ Tòng thoát khỏi vòng vây của lính Pháp. Trong bản điện ảnh lần này, ông Tiều là người cứu Võ Tòng bằng một cú ném dao. 

Nhân vật anh Tiều này cũng bị nhiều chỉ trích khi được tạo hình gắn với một chiếc nón tre Trung Quốc chứ không phải là hình ảnh chiếc nón lá Việt Nam. Nhiều khán giả như muốn gào lên “Nón lá Việt Nam đâu rồi” khi thấy hình ảnh chiếc nón trong phim.

Có thể thấy, về mặt xây dựng nhân vật thì cho thấy tuyến nhân vật phụ lấn át nhân vật chính. Nhân vật người cha của bé An được xây dựng là người cách mạng yêu nước nhưng lại rất mờ nhạt với những nhân vật của Thiên Địa hội. Thậm chí, một số người yêu nước tham gia cách mạng là đồng chí của nhân vật ba bé An còn tỏ ra nhỏ nhen, kém cỏi so với những nhân vật anh hùng Thiên Địa hội. Cớ là làm sao? 

Với những điều liệt kê sơ bộ trên đây, có thể hiểu như thế nào về ý kiến ban đầu của Đạo diễn: “Ê kíp đã tìm kiếm thông tin, đối chiếu hình ảnh lịch sử để phục dựng chính xác nhất”? Nó thể hiện ở đâu trong bộ phim này?

Tiểu thuyết của Đoàn Giỏi không phải bây giờ mới nổi tiếng, không phải bây giờ mới chuyển thể thành phim. Nhưng đến bây giờ mới có một bộ phim đươc cho là lấy cảm hứng mà từ bối cảnh lẫn nội dung đều “đi xa quá xa”. Bản chuyển thể lần này của Đất rừng phương Nam có thể gọi nôm na là là “đốt” rừng phương Nam, đốt đi những trang sử hào hùng vốn có của xứ sở phương Nam. Nếu chỉ 1, 2 yếu tố nhỏ thì còn có thể nói người xem đã quá soi xét nhưng với từng ấy yếu tố “lật sử” mà yêu cầu khán giả “cởi mở” phải chăng là đang buộc họ phải chấp nhận. Phải chăng việc né tránh những chi tiết thuần Việt của đạo diễn là để dễ dàng vượt qua những kiểm duyệt của nước ngoài nhằm đem bộ phim đi xa hơn?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Văn hóa còn, thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Phim ảnh không chỉ là sản phẩm giải trí, mà còn là sản phẩm văn hóa. Từng yếu tố, chi tiết của bộ phim đều là “một viên gạch” cho mỗi công trình văn hóa của dân tộc. Chính vì vậy mỗi bộ phim, dù ở nội dung nào cũng phải tôn trọng lịch sử, tôn trọng văn hóa dân tộc bởi nó là một phần tác động tới niềm tự hào dân tộc, nếu không muốn nói là cả sự tồn vong dân tộc.

Cáp Vương - Lệ Thành