Quảng Trị công chiếu bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) vừa tổ chức buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” và giao lưu với các nhân chứng của đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Vĩnh Linh  25/8 (1954- 2024), ngày 30/11/2022, tại Hội trường của trường THPT Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức buổi chiếu phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” và giao lưu với các nhân chứng của đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967.

Đồng thời, đây cũng là sự kiện rất ý nghĩa mà Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh muốn truyền tải về giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc đồng thời qua đó nhắc nhở, truyền cảm hứng cho các em học sinh, thế hệ trẻ tỉnh Quảng Trị không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và trong cuộc sống góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

z3922556949990-2c1e51931b342d1479743f64afc721b7-1669865355.jpg
Toàn cảnh hội trường buổi chiếu phim

Tham dự có đại biểu Viện Phim Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị địa phương trong tỉnh. Cùng các tổ chức, đoàn thể, tầng lớp nhân dân, giáo viên, học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, tuyến lửa Vĩnh Linh nằm trên dải Vĩ tuyến 17 gắn với sự khốc liệt và phong cảnh ở đây được ví như trên mặt trăng khi nhắc tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong thế kỷ 20. Vĩnh Linh được ghi lại một cách chân thực nhất qua con mắt của các nhà làm phim trong nước và quốc tế. Đã có nhiều bộ phim ghi lại những thời khắc khốc liệt của chiến tranh như Lũy thép Vĩnh Linh, Bên bờ Bến Hải, Ngọn cờ Hiền Lương, Vĩ tuyến 17 Chiến tranh nhân dân, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, v.v...

Phát biểu tại buổi chiếu phim, bà Nguyễn Thị Thuý Hà, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, “Bộ phim Vĩ tuyến 17 Chiến tranh nhân dân do đạo diễn Joris Ivens của Hà Lan quay và đạo diễn. Đây là một trong bốn bộ phim do Viện Phim Joris Ivens Hà Lan tặng Viện Phim Việt Nam vào năm 2017. Cùng với bộ phim là cuốn hồi ký Hai tháng dưới lòng đất do ông bà Joris Ivens – Marceline Lordidan viết bằng tiếng Pháp đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản nói về những trải nghiệm trên hành trình Nam tiến từ Thủ đô Hà Nội vào tuyến lửa Vĩnh Linh để quay bộ phim Vĩ tuyến 17 chiến tranh nhân dân.

Cuốn sách là bản trường thiên ca ngợi sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của những người nông dân bé nhỏ, kiên cường chống lại sự điên cuồng của quân đội hùng hậu hiện đại. Tất cả những gì được ghi lại là tư liệu lịch sử chân thực và thuyết phục khi mở một góc nhìn đa chiều cho dư luận đánh giá cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.

z3922921649993-445a6e37ce470eec27c71c5d85e70f6a-1669865475.jpg
Bà Nguyễn Thị Thuý Hà, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam phát biểu tại buổi chiếu phim

Trước đó, năm 2017, Viện Phim Joris Ivens Hà Lan đã tặng Viện Phim Việt Nam cuốn hồi ký trên với gần 2.000 trang tư liệu giấy, 150 ảnh và áp phích được ghi lại trong suốt thời gian đạo diễn Joris Ivens làm phim ở Việt Nam. Trong suốt 5 năm qua, Viện Phim Việt Nam đã tổ chức các chương trình chiếu phim, hội thảo, quảng bá tư liệu của nhà làm phim tới các tầng lớp nhân dân.

Vào tháng 7/2022, hội thảo “Quảng Trị - Khát vọng hòa bình” và triển lãm “Quảng Trị - Điểm đến của ký ức” đã được Viện Phim Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ Quảng Trị tổ chức là một sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh trong năm 2022, Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và hướng đến Lễ hội Vì Hòa bình.

Những tư liệu trong chương trình được tặng lại cho Quảng Trị như một kỷ vật mà nhà làm phim Joris Ivens dành cho Quảng Trị với những cống hiến của ông trên cả tư cách một đạo diễn lẫn người bạn Việt Nam; và từ những tấm lòng chân thành của Viện Phim Việt Nam dành cho Quảng Trị.

Chia sẻ tại buổi chiếu phim, ông Nguyễn Hoàn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị cho biết: "Bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” đã gây chấn động dư luận phương Tây khi công chiếu vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX.

Đây là 1 trong 4 phim tài liệu của đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens làm về Việt Nam. Phim kể về cuộc sống và đấu tranh bảo vệ quê hương của Nhân dân Vĩnh Linh những năm 1967 - 1968 rất khốc liệt nhưng cũng rất kiên cường”.

Tháng 5/1968, với những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam cùng thành công của bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân” ở nhiều quốc gia trên thế giới, đạo diễn Joris Ivens đã được trao giải thưởng “Hoà bình quốc tế Lênin”.

z3922918692873-6ae40340b0b68e140d061cd1f4694966-1669865615.jpg
Ông Nguyễn Hoàn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị

Nhân dịp này các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các học sinh tỉnh Quảng Trị có cuộc giao lưu với các nhân chứng của đoàn làm phim, nhân vật của phim năm 1967.

“Đây là một cuộc hội ngộ đầy cảm động của các khán giả đến xem phim với bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, người phiên dịch và cộng sự của đạo diễn Hà Lan nổi tiếng thế giới Joris Ivens, ông Phạm Công Đức, nhân vật “em bé 9 tuổi cầm súng” trong phim” ông Nguyễn Hoàn – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị cho hay.

giao-luu-1669865790.jpg
Các đại biểu, học sinh, giáo viên tại khán phòng giao lưu với các nhân vật liên quan đến bộ phim
z3924843577426-8390b0d9b46b924ff9e5c099ea554209-1669866106.jpg
z3924843586504-00f80a8c1e80acfd786a287a46fe96f8-1669866131.jpg
Bộ phim này nhận được sự quan tâm, đón xem chăm chú của các đại biểu và học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Học sinh Lê Hoài Nhật Linh, lớp 10A1, Trường THPT Vĩnh Linh cho hay: “Hôm nay, em thật may mắn khi được xem trực tiếp bộ phim tài liệu được quay trên quê hương Vĩnh Linh từ năm 1967. Sau khi xem xong bộ phim, em vừa ngỡ ngàng, vừa biết ơn thế hệ ông cha đã hy sinh rất nhiều để chúng em được sống hạnh phúc trong nền độc lập, tự do.

Bộ phim không chỉ có giá trị truyền tải lịch sử mà còn nhắc nhở, truyền cảm hứng cho chúng em nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, góp sức xây dựng quê hương”.

Đoàn Thuận