Kinh tế TP.HCM cần “cú hích” từ thể chế để tăng trưởng

Chưa bao giờ kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp như Quý 1 vừa qua và tốc độ tăng trưởng dần chậm lại, đó thực sự là điều đáng lo ngại. Làm thế nào để tháo gỡ các điểm nghẽn, các nút thắt, để kinh tế TP.HCM dần phục hồi và tăng trưởng như kỳ vọng đang là sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.

Doanh nghiệp cần niềm tin từ thị trường

Trước dịch COVID-19, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) của Việt Nam ở mức cao, trong đó mức độ đóng góp của người tiêu dùng TP.HCM gần như giữ vai trò quyết định cho thị trường trong nước. Thế nhưng, vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận chỉ số CCI thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân là do các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến CCI như: việc làm, thu nhập, chi tiêu… của người tiêu dùng giảm sút nghiêm trọng.

Đến thời điểm này, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp từ nhỏ và vừa đến doanh nghiệp lớn và ở mọi lĩnh vực. Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, thành phố có những biện pháp thiết thực để đẩy mạnh đầu tư và kích thích tiêu dùng, như: giảm lãi suất, giảm thuế, tăng đầu tư công, tinh giản thủ tục hành chính… Cần sự liên kết, hỗ trợ từ nhiều ngành để cùng vực dậy kinh tế TP.HCM.

1-17-05-2023-14-34-55-1684593554.jpg

Các hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng vắng khách. (Ảnh: MH)

Kết quả khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) về tình hình hoạt động trong Quý 1/2023 cho thấy, có 41,2% số doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp; 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất - kinh doanh…

TS. Trần Du Lịch cho rằng, trước mắt, TP.HCM phải có những giải pháp cụ thể để doanh nghiệp tin tưởng vào thị trường như hỗ trợ doanh nghiệp bắng vốn vay ưu đãi, kích cầu; thực hiện nhanh các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng… Về phía Trung ương, lãi suất ngân hàng cần giảm hơn nữa và làm sao để doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp cận vốn dễ dàng hơn, để đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh.

2-17-05-2023-14-34-55-1684593554.jpg

Thị trường xuất khẩu khó khăn. (Ảnh: MH)

“Thành phố làm sao có những giải pháp, biện pháp tạo niềm tin cho doanh nghiệp, không hẳn là kinh tế. Lúc này là lúc cần tạo niềm tin để doanh nghiệp tự vươn lên. Không nhà nước nào làm thay doanh nghiệp được hết mà chỉ có thể tạo niềm tin cho doanh nghiệp, niềm tin cho thị trường. Đó là cách để tạo sinh khí mới cho sự phát triển”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Mong chờ nhiều ở nghị quyết mới cho TP.HCM

Những giải pháp về thị trường được xem là trước mắt, ngắn hạn. Về lâu dài, theo các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, TP.HCM vẫn phải có giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề lớn, tồn tại nhiều năm như phát triển hạ tầng, đẩy mạnh phân cấp phân quyền để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng quá lớn của đại dịch và hiện là tác động quá lớn của tình hình thế giới.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vẫn giữ quan điểm phải xem xét những vấn đề đặt ra với TP.HCM là vấn đề của cả nước, cơ chế cho TP.HCM phát triển là để cho sự phát triển chung, chứ thành phố không xin cho riêng thành phố.

3-17-05-2023-14-37-03-1684593554.jpg

TP.HCM cần giải pháp căn cơ để giải quyết các điểm nghẽn tồn tại nhiều năm, trong đó có điểm nghẽn hạ tầng. (Ảnh: HK)

PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng thẳng thắn chỉ rõ thực tế trong suốt 15-20 năm qua, TP.HCM chưa có được sự thay đổi căn bản, các điểm nghẽn tăng trưởng về hạ tầng, đô thị… không được giải quyết triệt để mà còn tăng thêm. Thành phố đề xuất nhiều mô hình, giải pháp hay nhưng ít được áp dụng, chẳng hạn mô hình chính quyền đô thị. Tất cả những vấn đề này phải được giải quyết bằng thể chế.

“TP.HCM nội lực vẫn dồi dào nhưng vị thế suy yếu. Những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng cơ bản hầu như không được tháo gỡ triệt để, những sáng kiến, động lực mới không được đưa ra. Cho nên nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 54 là một nỗ lực lớn. Trong đó có trao thêm cho TP.HCM nhiều quyền, trao trách nhiệm cho địa phương để địa phương có thể tự chủ”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nói.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM quá thấp và thấp hơn cả mức bình quân cả nước như vừa qua là hệ quả của một quá trình dài. Trong những giải pháp căn cơ để tháo gỡ các điểm nghẽn của TP.HCM là nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Ông Vũ phân tích về nguyên tắc tháo gỡ từ nghị quyết mới này: “Trong Nghị quyết này bao hàm gỡ nghẽn. Tức là có những vấn đề vướng, chồng chéo hoặc không có luật nhưng thực tiễn thành phố đã trải qua thì phải gỡ. Trong đó có những điểm liên quan đến vốn, đầu tư, đất đai… Thành phố phát triển không chỉ cho thành phố mà phát triển trong bối cảnh cả vùng, cả khu vực cho nên có nguyên tắc kiến tạo, thí điểm những cái mới”.

Các chuyên gia kinh tế theo dõi sự phát triển của TP.HCM nhận định, trong khó khăn chung, nếu TP.HCM nỗ lực tạo niềm tin cho doanh nghiệp và triển khai sớm các chính sách về thuế, vốn của Trung ương thì tình hình kinh tế thành phố sẽ có biến chuyển trong những tháng cuối năm nay, tạo đà tăng trưởng cho năm 2024. Thành phố kỳ vọng rất nhiều ở nghị quyết mới này nếu được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Trong đó có những giải pháp, cơ chế giúp TP.HCM phát triển, giữ vững vị trí đầu tàu, đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước./.