Hưng Yên: Kinh tế tập thể phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới

"Tiếp tục đưa kinh tế tập thể phát triển đúng hướng, trở thành yếu tố và động lực cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới". Đây là ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tại hội nghị "Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể", do Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức ngày 25/12.

* Đòn bẩy chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương

Sau 20 năm triển khai, kinh tế tập thể hợp tác xã trên địa bàn Hưng Yên cơ bản ổn định và phát triển, năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước, từng bước khẳng định vai trò, vị trí nòng cốt trong phát triển kinh tế địa phương. Số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã ngày càng tăng, đa dạng về loại hình, rộng khắp ở các ngành, lĩnh vực. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương ban hành cơ chế phối hợp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, tồn tại của mô hình hợp tác xã trước đây để sắp xếp, tổ chức lại và chuyển đổi hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 400 tổ hợp tác với tổng vốn góp gần 2 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động về các dịch vụ thủy nông, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng… Toàn tỉnh có 450 hợp tác xã với tổng số vốn, giá trị tài sản hơn 700 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động hợp tác xã là 48 triệu đồng/năm.

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trong đó, hỗ trợ hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng ở thành phố Hưng Yên; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như chạm bạc Huệ Lai, nhãn lồng Hưng Yên, hoa cây cảnh Văn Giang, tương Bần, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân, vải trứng Hưng Yên... Đến nay toàn tỉnh có 29 sản phẩm của các hợp tác xã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Theo đánh giá xếp loại, toàn tỉnh có 120 hợp tác xã hoạt động tốt, 195 hợp tác xã hoạt động khá. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 23 hợp tác xã sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao. Điển hình là Hợp tác xã nghệ Chí Tân (Khoái Châu) với các sản phẩm bột nghệ, tinh bột nghệ, Nanocurcumin; Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát; Hợp tác xã Nông nghiệp Ngũ Phúc (Phù Cừ); Hợp tác xã Nhãn Miền Thiết (Khoái Châu)...

Nhiều hợp tác xã đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm; đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên góp phần vào tăng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác lên 215 triệu đồng/ha đưa tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2021 lên hơn 13.300 tỷ đồng

unnamed-1640487566.jpeg
Ảnh minh hoạ

* Chuyển biến từ mô hình hợp tác xã "kiểu mới"

Qua triển khai Nghị quyết 13, tại Hưng Yên đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tao đang được nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 12 hợp tác xã kiểu mới, với 5 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 7 hợp tác xã chuyên ngành hoạt động theo phương thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, có nhiều đổi mới để thích ứng thị trường. Điển hình như Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản xã Hạ Lễ; Hợp tác xã rau sạch và thương mại Phú Thịnh, Hợp tác xã chăn nuôi an toàn Siêu Việt, Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, Hợp tác xã chăn nuôi kinh doanh gà Đông Tảo... Các mô hình hợp tác xã này có sự liên kết với các đối tác trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thực hiện bài bản thông qua hợp đồng kinh tế.

Theo ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh có 50 hợp tác xã nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản như công nghệ nuôi cấy mô, thụ tinh nhân tạo, công nghệ cảm biến độ ẩm, nhiệt độ, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ sản xuất an toàn theo quy trình thực hành tốt (GAP); công nghệ chăn nuôi trong nhà lạnh, nuôi thâm canh thủy sản... Điển hình như Hợp tác xã thủy sản Hưng Phát (huyện Phù Cừ) nuôi cá sử dụng công nghệ sông trong ao nước tĩnh; Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (huyện Phù Cừ) áp dụng công nghệ cảm biến tự động, tưới phun, tưới nhỏ giọt trong nhà lưới....

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã , tổ hợp tác xây dựng, duy trì 175 mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đáng chú ý là các mô hình liên kết giữa Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu với Công ty VinEco; liên kết giữa Hợp tác xã dịch vụ Yên Phú (Yên Mỹ) với siêu thị Co.opmart, siêu thị BigC; Hợp tác xã sản xuất đầu tư và phát triển nông nghiệp Đức Thịnh ( Kim Động) liên kết với Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam tiêu thụ nguyên liệu trà hoa cúc, sâm ích mẫu cho thành viên và nông dân trên địa bàn.... Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân yên tâm với sản xuất, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, hiệu quả sản xuất ngày được nâng cao.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế hợp tác, hợp tác xã không phải là khu vực chính để tạo ra nhiều lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế. Nhưng các hợp tác xã có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho đông đảo người lao động nông thôn; trong đó, điểm nhấn là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thay đổi cách nghĩ cách làm của nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững. Đây là nền tảng vững chắc để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới với nhiều chuyển biến vượt bậc./.